Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có quy định về các hành vi học sinh không được làm. Nhiều bạn đọc bày tỏ quan điểm trái chiều về Thông tư này.
Cụ thể, như quy định về việc sử dụng điện thoại di động trong lớp học. Tại Thông tư số 32 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có quy định về các hành vi học sinh không được làm: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.
Bày tỏ sự đồng tình với Thông tư mới này của Bộ GDĐT, chị Lê Thị Bích Thơm (Lào Cai) chia sẻ: “Theo tôi không nên cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học là đúng. Mỗi ngày, các em có 8 giờ học trên lớp, thế nhưng thay vì tiếp thu bài học của thầy cô, có bạn học sinh lại dùng nó để giải trí. Việc không tập trung vào bài học dẫn đến các em sẽ bị hổng kiến thức. Chưa kể việc phải dừng lại nhắc nhở học trò tắt điện thoại cũng khiến các thầy cô bị cắt mạch cảm xúc, các bạn phân tán sự chú ý”.
Theo chị Thơm, nhiều trường hợp học trò còn vô tư dùng điện thoại để xem phim, lên mạng xã hội thỏa sức “chém gió” với bạn bè khắp nơi. Điện thoại thông minh với chức năng chụp ảnh quay phim còn có thể khiến các em cho ra đời nhiều bức ảnh phản cảm làm trò câu view, câu like, gây nên nhiều hậu quả nặng nề...
Là một phụ huynh có con nhỏ đang học bậc Tiểu học, chị Thơm mong muốn thay vì cấm đoán, nhà trường và thầy cô nên tìm cách để hướng dẫn các em cách sử dụng điện thoại di động sao đúng và hợp lý nhất. Tuyệt đối không dùng với mục đích nhạo báng và xúc phạm nhau bằng những clip nóng, những hình ảnh bạo lực, đồi trụy….
Bạn đọc Đinh Quỳnh Anh đưa ra quan điểm trái ngược: “Tôi đồng ý việc cho học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Thay vì việc ngăn cấm học sinh không được dùng điện thoại thì việc giáo dục trẻ sử dụng điện thoại như thế nào tốt là điều nên làm hơn. Mà cái tuổi học sinh là tuổi càng cấm càng làm, tốt nhất đừng cấm, để các em tự quyết định và đặt ra giới hạn mới là điều tốt nhất”.
Trong khi một số phụ huynh đưa ra quan điểm trái chiều trong việc cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong lớp học thì các em học sinh đều mong muốn được phép sử dụng.
Nguyễn Thị Thúy Ngân (Học sinh bậc THPT) rất mong muốn được sử dụng ĐTDĐ trong lớp học. Mỗi lần cần phải tra cứu các thông tin, kiến thức bài học, em chỉ có thể xem trong sách giáo khoa. Trong khi với nền tảng công nghệ thông tin, các kiến thức mà em có được lại bị bỏ lỡ. Em cũng mong muốn được sử dụng ĐTDĐ và sẽ đảm bảo việc học.
Cùng quan điểm với Ngân, Nguyễn Thành Vinh (học sinh bậc THPT) mong muốn được sử dụng ĐTDĐ để có thể tra cứu bài khó. Ngoài ra, trong những thời gian rảnh như giờ ra chơi các em có thể sử dụng với mục đích giải trí. Em cũng cho biết có môn giáo viên này cho sử dụng, môn khác giáo viên không cho sử dụng thì em không dùng.
Trước đó, sáng 25.3, trình bày Báo cáo Kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Ủy viên UBTVQH, Trưởng Ban Dân nguyện của UBTVQH Dương Thanh Bình cho biết vẫn còn một số quy định của pháp luật chưa thống nhất; có quy định còn chưa phù hợp với thực tế, nhiều ý kiến cử tri không đồng tình.
UBTVQH cho biết qua giám sát cho thấy, Bộ GDĐT giao cho giáo viên quyền quyết định việc cho phép hoặc không cho phép học sinh sử dụng điện thoại. Do đó, xảy ra tình trạng cùng một môn học, cùng một trường, có thể có giáo viên quyết định cho sử dụng điện thoại, có giáo viên không cho sử dụng, điều này sẽ không bảo đảm sự thống nhất về phương thức giảng dạy.
Vì vậy, quy định này tiếp tục gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.