Vấn đề xử lý, làm sạch sông Tô Lịch luôn nhận được sự quan tâm của người dân thủ đô. Mới đây, Công ty JVE gửi công văn báo cáo tới lãnh đạo Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội về việc đề xuất “Giải pháp tổng thể” cải tạo sông Tô Lịch trở thành “Công viên Lịch sử-Văn hoá-Tâm linh Tô Lịch” bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản.
Một lần nữa, vấn đề làm sạch con sông này lại được dấy lên. Bạn đọc Nguyễn Yên trăn trở: "Có một con sông trong lòng thủ đô không trong sạch thì còn ở đâu được làm sạch".
Hiến kế xử lý sông Tô Lịch, bạn đọc Nguyễn Tuấn cho hay: "Nếu ai đã từng sống và làm việc tại nước ngoài thì thấy thực tế đường nước thải của nước họ chạy bằng cống ngầm dưới dòng sông hoặc hành lang sông. Điều này làm cho nước sông sạch tự nhiên và dễ thi công đường ống nước thải ngầm mà không lo phải giải quyết nhiều vướng mắc. Ngoài ra, giải pháp này còn rút ngắn thời gian, giảm kinh phí".
Đồng quan điểm, bạn đọc Hoàng Quang Hồng nêu: "Cần làm cống đón và dẫn nước thải đặt dưới lòng sông Tô Lịch đến nơi xử lý trước khi hòa chung vào dòng chảy của sông này. Bên cạnh đó, nên tạo dòng chảy liên tục rửa sạch nước sông Tô Lịch."
Nêu tầm quan trọng việc xây dựng đường nước thải riêng, bạn đọc Chúc Vinh bày tỏ quan điểm: "Cải tạo nạo vét vẫn phải làm, nhưng cần thiết phải xây đường nước thải riêng, đường mương nước thải này kết nối đầu chờ".
Theo bạn đọc Chúc Vinh, sông Tô Lịch vẫn cần có kết nối với đường nước sông Hồng kiểu như 1 nhánh. Từ đó, thỉnh thoảng lấy nước vào để thau rửa đường mương nước thải. Các đầu cống lớn khi ra cái mương lớn nên có cái bể lắng sâu và lưới lọc rác nilon để tránh làm tắc các nắp mương.
"Khi có như vậy, chúng ta thu nạo vét nhanh và thông nước sông Hồng rửa đường mương dễ hơn. Còn lại, dòng sông Tô Lịch thỉnh thoảng tháo thêm nước sông Hồng là xong. Nên lắp camera giám sát việc xả rác trực tiếp xuống lòng sông"-bạn đọc Chúc Vinh nêu.
Bạn đọc Nguyễn Trai cho hay: "Không thể xử lý hoá chất hay công nghệ làm sạch trực tiếp nước sông Tô Lịch vì chi phí tốn kém. Hiện tại, mọi nước thải đều chảy về nên sông bị phơi nhiễm nặng. Chỉ cần nghiêm túc xử lý tốt nguồn thải trước khi chảy ra sông thì sông sẽ không còn ô nhiễm. Bên cạnh đó, phải tạo sông có dòng chảy tự nhiên hay cưỡng bức thì sông mới "thơm tho"".
Bạn đọc Phạm Tuần thông tin: "Các ý kiến đều hay. Nhưng giải pháp tối ưu cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ làm sạch sông Tô Lịch thì khó thành công. Trước hết phân luồng thoát nước, gom nước, xử lý sau đó mới đổ ra sông. Tiếp đến từng bước cải tạo và xử lý nước trên sông".
"TP Hà Nội nên đặt đường ống thu gom nước thải sinh hoạt nằm dưới đáy sông dẫn về nhà máy xử lý. Bên cạnh đó, thường xuyên thay nước hồ Tây để vừa sạch hồ vừa tạo nguồn nước thông dòng chảy cho sông Tô Lịch..." - bạn đọc Hà Hải nêu.
Về cải tạo sông Tô Lịch, bạn đọc Nguyễn Viết Chính cho biết: "Bên mình là công ty chuyên lĩnh vực công nghệ mới, đã có bằng sáng chế đang được sử dụng rộng rãi trong ngành xây dựng. Mình xin góp ý kiến như sau: 1. Tạm chặn dòng sông Tô Lịch bơm bỏ hết nước. 2. Đánh dấu tất cả điểm nước cống thải từ nhà dân chảy xuống long sông. Nạo vét lòng sông sạch sẽ xây một cái rãnh thu để gom rác nước mặt. 3. Xây bể thành bốn ngăn chứa lắng lọc nước để nước ra sông đã được xử lý. Nước này được dẫn xuống mương đáy giữa lòng sông. 4. Kinh phí xây bể có thể xã hội hóa".