Sính trái cây nhập khẩu, tưởng ăn quả ngọt hóa ra trái đắng

Việt Hà |

Ngay giữa thiên đường trái cây nhiệt đới, người tiêu dùng Việt vẫn rất ưa chuộng trái cây nhập khẩu, một phần vì tâm lý lo ngại thực tế trái cây trong nước bị lạm dụng hóa chất trong canh tác và xử lý sau thu hoạch, một phần vì tâm lý sính ngoại, bị hấp dẫn bởi hình thức bắt mắt và hương vị lạ miệng của những loại trái cây này, và rất nhiều người tin rằng những loại trái cây nhập khẩu đã dính mác Âu, Mỹ, Nhật, Hàn… thì chắn chắn an toàn.

Có an toàn thật không?

Táo là loại trái cây ôn đới phổ biến trên thế giới, táo chưa trồng được ở Việt Nam nên đây cũng là loại trái cây nhập khẩu sớm nhất và đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng. Trước đây, nhắc đến táo nhập khẩu dường như trên thị trường chỉ có loại táo Fuji màu hồng phấn của Trung Quốc mà người miền Nam gọi là bom. Cho đến nay trên thị trường đã xuất hiện gần chục loại táo với những thương hiệu khác nhau được cho là đến từ các nước Âu, Mỹ. Khi có thông tin táo Trung Quốc được trồng với công nghệ cực kỳ độc hại, người tiêu dùng thành phố không còn mặn mà với táo hồng Fuji nữa, bởi vậy những loại táo gắn mác Âu, Mỹ lên ngôi.

Nắm bắt tâm lý đó, những loại táo, nho, lê Trung Quốc thường gặp trước đây chuyển địa bàn về những vùng thôn quê, ngoại ô, chợ cóc khu dân cư thu nhập thấp, “bao nhiêu rồi cũng hết” – một người bán hàng rong cho biết. Còn tại các siêu thị lớn, cửa hàng trái cây, trang bán hàng qua mạng cho đến sạp hàng ở chợ, cùng với táo, hàng loạt những loại trái cây nhập khẩu như lê, kiwi, cherry, việt quất, các loại nho lạ, trái cây có múi, trái cây mọng nước… dán tem Mỹ, Pháp, Úc, Newzealand, Nam Phi, Nhật, hoặc chí ít cũng phải Hàn, Thái, thậm chí Campuchia, nghĩa là không phải Trung Quốc lại rất được ưa chuộng. 

Để chứng minh nguồn gốc “không Trung Quốc”, nhiều người bán hàng qua mạng thường ghi lại hình ảnh trái cây khui từ thùng với những dòng chữ “USA”, “Newzealand”, “South Africa”… hoặc tường thuật việc nhận hàng trực tiếp từ sân bay để củng cố lòng tin của người tiêu dùng. Về chất lượng, trái cây nhập khẩu luôn được cam kết bằng miệng 100% tự nhiên, tươi rói, sạch, an toàn cho sức khỏe. 

Thế nhưng chẳng có ai kiểm chứng những cam kết đó có chính xác hay không, vì tại các chợ đầu mối, trái cây Trung Quốc vẫn chiếm lĩnh với số lượng lớn, phân thành nhiều thứ hạng để theo chân người bán đi đến các thị trường khác nhau, vì lợi nhuận người ta sẵn sàng trộn lẫn sản phẩm Trung Quốc và dán các loại tem, nhãn, mác giả. đã có trường hợp được quảng cáo là Táo Mỹ nhưng dán tem Cam Nam Phi bị phát giác. 

Hơn nữa, nếu được nhập từ Âu, Mỹ thì cũng chưa hẳn đã an toàn, vì các loại trái cây nhập từ Mỹ phần lớn đều dán nhãn hiệu nhỏ gọi là mã số PLU (Price Look Up Code) bắt đầu là “4” hoặc “3” có nghĩa là sản phẩm được trồng theo phương pháp có sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, cũng chẳng phải sản phẩm 100% tự nhiên như quảng cáo, đó là chưa kể những loại hóa chất bảo quản được sử dụng giúp tươi lâu, chống hỏng mốc. 

 

Trái cây nhập khẩu với hình thức bắt mắt luôn hấp dẫn người tiêu dùng trong nước . Ảnh Việt Hà 

Thang giá gây choáng 

Sính ngoại, hám lạ là những sơ hở của người tiêu dùng Việt để người bán hàng đẩy giá lên rất cao. Lý chua, một loại trái cây dại ở Pháp, Úc được gọi là nho chuỗi ngọc ở Việt Nam và rao bán với giá 2 triệu đồng/kg nhưng vẫn được người tiêu dùng săn lùng. Việt quất, bơ Mỹ, bơ Mexico, cherry… đều được coi là những loại trái cây cao cấp với giá bán cực kỳ gây sốc. 

Lợi nhuận lớn khiến cho nhiều người đổ xô vào buôn bán trái cây nhập khẩu. Sản phẩm có thể lấy từ một nguồn hàng nhưng giá bán rất chênh lệch và chất lượng thì không phải bao giờ cũng đi kèm giá cả. Giá đắt giật mình do khan hàng, đang độ hot, đầu vụ, cuối mùa, chất lượng thượng hạng… Nhiều người chắc hẳn phát hoảng với những thùng táo trị giá hàng triệu đồng, những giỏ trái cây hỗn hợp cũng hàng triệu đồng, mà giá trị thật chỉ có người bán mới nắm rõ.

Khi người tiêu dùng đã “bén mùi” với trái cây nhập, xu hướng giá rẻ lại được chuộng hơn do thỏa mãn được nhu cầu thưởng thức, vừa hợp túi tiền của nhiều người. Tuy nhiên, khi vấn đề giá rẻ khiến người tiêu dùng chột dạ, thì được trấn an là để vừa với túi tiền của khách hàng, do vào mùa, đang rộ, xả kho, ưu đãi nhân dịp này dịp nọ… Giá rẻ lại cũng được thay bằng giá mềm, giá tốt, giá đặc biệt, giá ưu đãi, giá tự giảm do áy náy với khách… để không làm mất “phẩm giá” của mặt hàng. Trái cây Mỹ, Chi Lê, Úc… bán tràn lan khắp nơi, thậm chí còn được bán dạng “đổ đống” trong siêu thị ngay cạnh các mặt hàng trái cây Việt Nam với giá tương đương. Quả to, ngon, bóng, đẹp là bởi hàng tuyển. Quả nhỏ, không bóng đẹp là bởi mùa màng, nhưng dinh dưỡng đảm bảo. Kiểu gì cũng bán trót lọt, với những thang giá không ai kiểm soát, đặt ra dấu hỏi lớn về nguồn gốc và chất lượng!           

Giống cây nhập khẩu ăn theo cơn sốt          

Dư vị trái cây nhập khẩu còn tạo nên cơn sốt cho thị trường hạt giống và cây giống. Từ những loại trái cây được đánh giá cao về giá trị dinh dưỡng, được ưa chuộng vì vị ngon, hay những loại trái cây lạ, hiếm đều rất thu hút người tiêu dùng.    

Giá bán các loại cây giống việt quất, cherry, dưa hấu lai lê, dâu tây, phúc bồn tử, nho thân gỗ, chanh móng tay… không hề rẻ. Mặc dù phần lớn những giống cây này là cây xứ ôn đới, song đã được người bán quảng cáo theo hướng giống mới lai tạo phù hợp xứ nóng để người tiêu dùng yên tâm. Với tâm lý tự trồng ăn sẽ tránh được hóa chất và giá cả đắt đỏ nên nhiều người không tiếc tiền triệu để mua cây giống về trồng mà không có sự tìm hiểu kỹ càng.    

Theo anh Thế, một “lão nông” chuyên trồng cây ăn trái ở Đà Lạt, phần lớn những giống cây được cho là xuất xứ Âu, Mỹ hiện nay đều được nhập từ Trung Quốc hoặc Thái Lan, chất lượng cây giống không đảm bảo, có một số loại cây ra hoa kết trái khi được trưng bán khiến người tiêu dùng thích thú như việt quất, phúc bồn tử, nhưng chủ yếu vẫn do người bán sử dụng các kỹ thuật kích thích sinh trưởng bằng phân bón và thuốc hóa học, sau một thời gian cây trồng sẽ yếu đi và không đậu trái nữa, có trường hợp đậu trái nhưng bị rụng hoặc không thể chín được.          

Đối với những giống cây lâu năm cho trái như cherry hay nho thân gỗ, người bán “thả thính” bằng hình ảnh những chùm trái sai trĩu đính kèm và thổi phồng hương vị, chất dinh dưỡng, độ hiếm của những loại trái cây này để người tiêu dùng mua ngay kẻo hết. Một khách hàng sau khi đặt mua 10 cây giống cherry được quảng cáo là giống Mỹ với giá gần 4 triệu đồng, nhưng khi so sánh thấy cherry Mỹ có lá khác biệt, người bán thuyết phục rằng giống Mỹ hết nên thay bằng giống Chi Lê, ngon giòn hơn, trái sai hơn. Đem về trồng sau nửa năm, cây cherry của khách hàng này vẫn “đực” ra không lớn thêm được tí nào nữa. Người bán hàng lại đổ lỗi cho người mua không biết cách chăm sóc…          

Thị trường hạt giống cũng bát nháo tương tự, hạt giống chanh móng tay đang gây sốt không kém cây giống, nhưng chẳng ai đảm bảo về tỉ lệ nảy mầm của nó. Hạt giống bí khổng lồ, dâu tây khổng lồ, dưa hấu tí hon, cà chua đen… được thổi giá đắt đỏ để kiếm lời trước nhu cầu ngày càng lớn của khách hàng. Điều đáng nói là những loại cây giống và hạt giống nhập khẩu trên đều là vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật nằm trong sự quản lý của Cục Trồng trọt, nhưng dường như chúng đang bị thả nổi. Khi người bán ấm ớ không muốn công khai nguồn gốc xuất xứ thực sự của giống cây trồng, thì việc xuất trình những giấy tờ chứng nhận kiểm dịch thực vật do cơ quan kiểm dịch thực vật có thẩm quyền của nước xuất khẩu và giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu để phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam có vẻ là chuyện xa vời.     

Mặc dù thủ tục thông quan vào Việt Nam không quá phức tạp, nhưng những quy định đối với giống cây trồng mới được nhập khẩu lần đầu tiên sau khi hoàn thành thủ tục kiểm dịch thực vật phải trải qua quá trình đăng ký gieo trồng và cách ly khá chặt chẽ. Đó là những quy định thường gặp để các nước bảo vệ nguồn Gen và đa dạng sinh học. 

Một lần nữa, sự buông lỏng trong quản lý đã tiếp tay cho những hành vi gian lận vừa móc túi người tiêu dùng, vừa tổn hại đến nền nông nghiệp trong nước vốn gặp không ít khó khăn.

Việt Hà
TIN LIÊN QUAN

Phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Vương Trần |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định 19/QĐ-TTg ngày 15.1.2023 về việc phân công nhiệm vụ của các Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tất bật ngược xuôi giao hàng, shipper vẫn lo không có Tết

Thiện Nhân-Tùng Giang |

Nhiều shipper giao hàng chia sẻ, những ngày giáp Tết Nguyên đán dù đơn hàng tăng cao nhưng thu nhập thực tế vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Phố cây cảnh vắng khách, sức mua chỉ bằng 30% so với năm ngoái

Thiện Nhân - Thùy Dương |

Theo nhiều nhà vườn, năm nay cây cảnh được giá nhưng tiêu thụ chậm hơn mọi năm, sức mua của người dân chỉ khoảng 30% so với năm ngoài.

Nhân tố bất ngờ có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina

Ngọc Vân |

Thời tiết mùa đông ấm áp bất thường trong năm nay có thể giúp sớm chấm dứt chiến sự Ukraina.

Cổ động viên Thái Lan đặt dép giữ chỗ mua vé xem chung kết AFF Cup 2022

Thanh Vũ (từ Bangkok) |

Người hâm mộ bóng đá Thái Lan bày tỏ sự thất vọng khi không thể mua được vé xem đội nhà đá chung kết lượt về AFF Cup 2022.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.