Sử dụng năng lượng tái tạo giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu
Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp quy định, những khách hàng sử dụng điện lớn có mức sản lượng tiêu thụ bình quân từ 200.000 kWh/tháng mong muốn sử dụng năng lượng tái tạo sẽ được mua điện "trực tiếp" từ các nhà sản xuất năng lượng tái tạo với hai chính sách qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia.
Riêng với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo được tham gia cơ chế là đơn vị phát điện từ điện gió hoặc điện mặt trời với công suất từ 10 MW trở lên đấu nối vào hệ thống điện quốc gia trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Còn trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng sẽ không có giới hạn về công suất và loại hình năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho rằng, ngày 1.10.2023, Liên minh châu Âu (EU) ra thông báo sẽ áp dụng Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) ở giai đoạn chuyển tiếp.
Đây là công cụ chính sách của EU nhằm đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất nước xuất khẩu.
Do đó, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, việc có cơ chế DPPA giúp doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có thể tiếp cận, sử dụng điện tái tạo sớm đạt chứng chỉ xanh gắn cho hàng hóa sớm hơn là điều tốt.
"Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã chuyển hướng từ nhanh sang bền vững. Doanh nghiệp tại các khu công nghiệp đã triển khai, đưa vào sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái. Việc sử dụng năng lượng tái tạo trong các sản phẩm của mình sẽ giúp doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên toàn cầu", ông Hòa nói.
Thành lập tổ công tác theo dõi và phản ứng nhanh để thực hiện
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, EVN đã tổ chức rà soát các quy trình nội bộ, trong tháng 7 sẽ hoàn thiện để làm sao phù hợp với các quy định của nghị định cũng như các pháp luật liên quan, để trong nội bộ tập đoàn, các đơn vị thành viên tổng công ty, các tổng công ty mua bán điện sẽ triển khai được ngay.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay, Nghị định 80 được Chính phủ ban hành với hai cơ chế là mua bán điện qua đường dây riêng và mua bán điện qua lưới điện quốc gia giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Với cơ chế mới này không tránh khỏi khó khăn, đặc biệt là mua bán điện trực tiếp thông qua đường dây riêng, không kết nối lưới điện quốc gia.
Theo đó, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng lớn sẽ phải tự thỏa thuận đàm phán giá cả. Do hợp đồng được quy định mang tính định hướng, còn các nội dung cụ thể là do hai bên thực hiện, nên ông Tân cho rằng, chắc chắn sẽ có sự lúng túng trong thực hiện.
Bên cạnh đó, khi kết nối lưới điện quốc gia phải đảm bảo an toàn trong vận hành lưới điện. Do đó, đơn vị vận hành là Trung tâm điều độ điện quốc gia sẽ phải xây dựng quy trình của riêng mình. Trong tình huống khẩn cấp sẽ thành lập tổ công tác theo dõi và phản ứng nhanh để thực hiện.