Xe đạp công cộng chỉ hợp để trải nghiệm
Mục tiêu của đề án đưa ra giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn nhiên liệu để hướng tới Thủ đô xanh - sạch - đẹp.
Xe đạp công cộng được thiết kế đơn giản với khung xe bằng sắt chắc, có kèm kẹp ở giữa tay lái để kẹp điện thoại phòng trường hợp khách cần xem bản đồ hoặc nghe nhạc. Xe có thể điều chỉnh độ cao thấp của yên một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Người dân có thể thuê và gửi trả xe tại một trạm bất kỳ và cũng có thể mua vé ngày, vé tháng với mức giá cho thuê xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện.
Nhìn chung, phương tiện công cộng được thiết kế khá tiện lợi, dễ dàng, thân thiện, đáp ứng được nhu cầu cơ bản sử dụng cho mọi đối tượng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, nếu muốn rèn luyện sức khỏe, thể lực hàng ngày hay muốn sử dụng làm phương tiện di chuyển hàng ngày để đi làm, đi học thì lại bất tiện bởi các trạm dừng, trả xe.
Từ khi thí điểm triển khai, xe đạp công cộng được kỳ vọng là phương tiện phổ biến trong thời gian tới tại Việt Nam. Mặc dù vậy, phương tiện này hiện vẫn chưa phát huy được hiệu quả như dự tính.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam (đơn vị vận hành dịch vụ xe đạp công cộng tại Hà Nội), từ khi hoạt động đến nay, đã có hơn 315.000 lượt thuê xe đạp (khoảng gần 1.150 chuyến/ngày). Trong đó, lượng khách khách hàng thường xuyên, sử dụng vé tháng chiếm khoảng 33,02%, trong đó 80% người thuê xe có độ tuổi từ 18 - 40, trong đó 18 - 22 tuổi chiếm 31% và 22 - 40 tuổi chiếm 49%, “Việc xe đạp công cộng ế khách do thời tiết mưa nắng thất thường vì thế nhiều người đã chọn các phương tiện khách thay vì xe đạp", đại diện Công ty Cổ phần Dịch vụ vận tải số Trí Nam cho hay.
Ghi nhận tại trạm xe đạp công cộng dưới chân ga Cát Linh, dù vào giờ cao điểm vẫn có khoảng 40 - 50 chiếc xe đạp được xếp khá gọn gàng, chưa được sử dụng. Theo chị Vũ Thị Thủy (Hà Đông, Hà Nội), giá thuê xe đạp khá rẻ nhưng chị vẫn không lựa chọn bởi gần nơi làm việc ở Võ Chí Công chưa có trạm trả xe. Muốn trả xe phải qua điểm ở Hồ Tây, sau đó đi bộ hơn 1km về cơ quan.
Anh Hoàng Anh Minh làm việc trên phố Nguyễn Công Hoan (Ba Đình) cho rằng những người đi làm muốn đi xe đạp cũng phải xem cơ quan có gần trạm trả xe hay không. Do đó muốn thu hút người đi xe đạp công cộng cần tăng tính kết nối, số lượng trạm cần bổ sung.
Văn minh, tiện lợi nhưng vẫn bất cập
Để thuê được xe đạp, người dùng cần phải tải ứng dụng TNGo về điện thoại thông minh, sau đó liên kết với các tài khoản ngân hàng, ví điện tử để sử dụng. Do đó, mô hình này đã bỏ lỡ một bộ phận người trung niên và cao tuổi muốn trải nghiệm dịch vụ này.
Trên thực tế, giá vé xe bus tính theo tháng dao động khoảng 55.000 - 200.000 đồng. Người đi xe bus có thể đi bất kỳ xe nào tiện chuyến và đi bao lâu tùy thích. Người cao tuổi được miễn vé xe bus.
Trong khi đó, giá vé tàu Cát Linh - Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách; trong đó, tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng/lượt với quãng ngắn nhất.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng. Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Như vậy, có thể thấy giá vé xe đạp cho thuê không có tính cạnh tranh với các phương tiện công cộng khác. Xe đạp sẽ phù hợp hơn với cự ly 5km trở lại và sẽ hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, xe đạp công cộng sẽ chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.