Nhan nhản dấu vết khai thác cát
Con đường trục dọc của Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị qua xã Triệu Trạch của huyện Triệu Phong, phần lớn là diện tích cát trắng. Dân cư thưa thớt, nên lâu nay là địa điểm thuận lợi cho các đối tượng trộm cát trắng hoạt động.
Như ở thôn Linh An (xã Triệu Trạch), việc phát hiện các địa điểm khai thác cát trắng trái phép không khó. Chỉ cần đi dọc con đường nhựa, thấy cánh rừng tràm bên đường có hằn vệt bánh xe, đi vào đoạn ngắn là có thể thấy dấu hiệu của các vụ khai thác cát.
Thậm chí, có nơi ở ngay bên đường, các đụn cát trắng cao hơn mặt đường cũng có dấu vết bị khoét đi, hình thành các hố nhỏ.
Đặc biệt, có vị trí xuất hiện nhiều vệt bánh xe hằn sâu, tạo thành đường mòn dẫn vào vị trí khai thác cát trái phép cách tuyến đường trục dọc khoảng 50m.
Ở vị trí này, cát bị lấy trên một diện tích khá rộng, tạo thành hào, có nơi sâu hơn 1m. Vì cát bị đào sâu xuống, nên một số cây rừng trồng phòng hộ lộ cả rễ, có cây đã bị ủi đi.
Có vị trí chỉ cách đường tầm 20m, cát bị xúc sâu xuống hơn 1m trên diện tích khá rộng, khiến cây rừng bật gốc và tạo thành 1 hồ chứa nước mưa. Dấu vết khai thác cát ở vị trí này đã cũ, nhưng cũng chỉ diễn ra trước đó khoảng vài tháng…
Cát trắng bị rút ruột như thế nào?
Tìm hiểu cho thấy, việc khai thác cát trái phép ở khu vực trên không diễn ra vào ban ngày, mà thường diễn ra từ lúc 1h đến 4h sáng.
Các đối tượng thường dùng xe múc bánh lốp để múc cát lên xe ôtô tải từ khoảng 5m³ đến 9m³ cát rồi vận chuyển đi; có trường hợp thì sử dụng xe công nông khai thác nhỏ.
Với mỗi m³ cát trắng, nếu bán ra bên ngoài có giá từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng, còn bán cho người dân địa phương thì giá từ 60 nghìn đồng/m³.
Ông Lê Văn Mẫn - Chủ tịch UBND xã Triệu Trạch nói rằng, địa bàn xã có 1.500ha đất nằm trong Khu Kinh tế Đông Nam tỉnh Quảng Trị, trên diện tích này là cát trắng và rừng trồng phòng hộ. Do diện tích quá rộng, đất lại “chưa có chủ”, nên xảy ra hiện tượng lén lút khai thác cát. Có trường hợp khai thác để phục vụ cho nhu cầu san nền, làm lăng mộ tại địa phương, cũng có trường hợp vận chuyển đi nơi khác bán.
Lực lượng chức năng ở xã này thường xuyên tuần tra, hoặc có nguồn tin là tổ chức lực lượng đi kiểm tra. Tuy nhiên, rất khó để bắt quả tang các vụ khai thác cát trái phép, vì các đối tượng thường làm nhỏ lẻ, chỉ cần đưa xe đến, múc đầy xe là di chuyển khỏi hiện trường, hoặc thấy có động tĩnh thì đổ cát lại.
“Trên địa bàn có nhiều tuyến đường thuận lợi, địa bàn rộng, cát trắng ở đâu cũng có, nhu cầu san lấp mặt bằng lớn nên bà con lợi dụng đêm hôm dùng xe đi xúc trộm. Chúng tôi đã tuyên truyền, chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra nhưng tình trạng khai thác cát vẫn còn xảy ra” - ông Lê Văn Mẫn cho biết.
Theo Công an huyện Triệu Phong, từ đầu năm 2022 đến nay, đơn vị này đã phát hiện 16 trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển cát trắng trái phép, trong đó riêng ở xã Triệu Trạch có 13 vụ/13 đối tượng.
Bên cạnh đó, Công an xã Triệu Trạch cũng đã phát hiện 4 vụ/4 đối tượng. Thời gian tới, Công an huyện Triệu Phong sẽ phối hợp với các đơn vị tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, xử lý việc khai thác, vận chuyển, mua bán cát trắng trái phép.