Đề nghị xử lý nghiêm hành vi phá rừng
Ngày 27.6, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi UBND huyện Đakrông có báo cáo gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh trên Báo Lao Động ngày 19.4.2022 liên quan đến bài viết “Quảng Trị: Tận mắt thấy rừng bị phá tan hoang”, UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản hỏa tốc, đề nghị xử lý nghiêm hành vi phá rừng và tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của ngành, của lực lượng kiểm lâm trước các hành vi, hoạt động phá rừng tại tiểu khu 699 và 708. Và đề nghị kiểm tra, xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân, công chức kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng buông lỏng, lơ là trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Đối với UBND huyện Đakrông, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị khẩn trương chỉ đạo điều tra làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các đối tượng có hành vi phá rừng để có trách nhiệm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đặt câu hỏi với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đakrông vì sao sự việc, hành vi phá rừng đã phát hiện từ đầu tháng 4.2022, diễn ra trên diện tích rừng tự nhiên lớn nhưng không báo cáo kịp thời với UBND tỉnh?
Phát hiện phá rừng thời điểm nào?
Liên quan đến câu hỏi của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị về vụ việc phá rừng mà Báo Lao Động đã thông tin, vào ngày 8.4.2022, Ban chỉ đạo quản lý bảo vệ rừng và phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Đakrông đã có biên bản làm việc về tình hình lấn chiếm rừng làm nương rẫy tại tiểu khu 699 và 708.
Trong biên bản này nêu rõ, ngày 5.4, Trạm Kiểm lâm Đakrông phối hợp với công an, quân sự xã, ban quản lý cộng đồng thôn Làng Cát tổ chức kiểm tra rừng tại tiểu khu 699, 708 thì phát hiện 1 vị trí bị luỗng phát chặt hạ cây, 2 vị trí bị luỗng phát dây leo với tổng diện tích khoảng 5,6ha và 1 vị trí tập kết 20 hộp gỗ nhóm V, VI.

Ngày 18.4, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị có báo cáo nhanh về tình hình phá rừng tại địa bàn huyện Đakrông gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Báo cáo nêu rõ, ngày 12.4, từ dữ liệu giải đoán sảnh vệ tinh về công tác quản lý bảo vệ rừng, Hạt Kiểm lâm Đakrông kiểm tra mở rộng tại 2 tiểu khu nói trên thì phát hiện thêm 17 vị trí đã luỗng phát dây leo, cưa hạ cây rừng tự nhiên và 3 vị trí bị luỗng phát dây leo với tổng diện tích khoảng 20,68ha.
Như vậy, cùng với 5,6 ha được phát hiện ở ngày 5.4, có tổng cộng hơn 26ha rừng tự nhiên ở tiểu khu 699 và 708 bị xâm hại.
Sau khi nhận được báo cáo nói trên, ngày 19.4, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị ra văn bản về việc giải quyết tình trạng phá rừng làm nương rẫy gửi UBND huyện Đakrông, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Trong đó, đề nghị các đơn vị liên quan vào cuộc điều tra, xác minh đối tượng phá rừng tự nhiên để xem xét khởi tố vụ án hình sự về phá rừng theo quy định. Đồng thời, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trước câu hỏi vì sao phát hiện vụ phá rừng vào đầu tháng 4.2022 nhưng không báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh, ông Hồ Xuân Hòe – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị nói rằng, sẽ sớm có báo, giải trình rõ với UBND tỉnh Quảng Trị.
Trước đó, từ nguồn tin có vụ phá rừng nghiêm trọng, phóng viên Báo Lao Động đã vượt quãng đường rừng khoảng 7km để tiếp cận hiện trường. Tại tiểu khu 699 và 708, ghi nhận nhiều khoảnh rừng tự nhiên bị đốn hạ trắng, cây lớn, cây bé nằm xếp chồng la liệt. Nhiều nơi, các gốc cây lớn đã được cưa xẻ, vận chuyển ra khỏi cửa rừng, có nơi bị đốt nhưng cây còn tươi nên chỉ bị cháy xém.
Sau khi báo Lao Động đăng loạt bài, UBND tỉnh Quảng Trị mói rõ thông tin, chỉ đạo các đơn vị liên quan xác minh thông tin từ bài viết, mới hay biết có vụ phá rừng nói trên.