Công ty Luật TNHH YouMe cho biết: Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP quy định, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP (đối tượng nghỉ hưu trước 1.7.2024).
Ngoài ra, các đối tượng Khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP sau khi điều chỉnh theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP (tăng lên 15%), có mức hưởng thấp hơn 3.500.000 đồng/tháng thì được điều chỉnh tăng thêm:
Tăng thêm 300.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng dưới 3.200.000 đồng/người/tháng;
Tăng lên bằng 3.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 3.200.000 đồng/người/tháng đến dưới 3.500.000 đồng/người/tháng.
Có thể thấy, căn cứ theo Điều 2 Nghị định 75/2024/NĐ-CP điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 6 năm 2024 đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 75/2024/NĐ-CP (đối tượng nghỉ hưu trước 1.7.2024).
Căn cứ Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính theo công thức:
Lương hưu khi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc = Tỉ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo đó, đối với người nghỉ hưu sau 1.7.2024, mức hưởng lương hưu có tăng hay không sẽ phụ thuộc vào mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Từ ngày 1.7.2024 đã có sự điều chỉnh tăng lương cơ sở lên 30% theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và lương tối thiểu lên 6% theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP.
Vì vậy, khi các đối tượng được tăng lương sau 1.7.2024, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tăng lên thì mức hưởng lương hưu sau 1.7.2024 cũng sẽ tăng.