Trong quy chế thi khoa học kỹ thuật học sinh do Bộ GDĐT ban hành, quy định cụ thể về khả năng ứng dụng vào thực tiễn như một tiêu chí bắt buộc đã bị “bỏ qua” kể từ năm 2017.
Ngày 2.11.2012, Bộ GDĐT ban hành Thông tư số 38 quy định “Quy chế thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia học sinh (HS) trung học” khai sinh ra cuộc thi đang gây nhiều tranh cãi hiện nay. Trong văn bản này, mục tiêu cuộc thi được xác định: “Khuyến khích HS trung học nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ, kỹ thuật và vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống”.
Tiêu chí đánh giá của dự án dự thi gồm: Khả năng sáng tạo: 30 điểm; Ý tưởng khoa học: 30 điểm; Tính thấu đáo: 15 điểm; Kỹ năng: 15 điểm; Sự rõ ràng, minh bạch: 10 điểm.
Đối với dự án kỹ thuật, tiêu chí “Ý tưởng khoa học” được cụ thể hóa: “Mục tiêu có liên quan đến nhu cầu sử dụng của con người không? Giải pháp đưa ra có khả thi không? Chấp nhận được đối với người sử dụng không? Có lợi ích về mặt kinh tế không, có thể được sử dụng để thiết kế hay xây dựng sản phẩm cuối cùng không? Có sự cải tiến đáng kể so với các lựa chọn hoặc các ứng dụng trước đây không? Giải pháp đã được thử nghiệm sử dụng trong điều kiện thực tế hay chưa?”.
Mặc dù đã có tiêu chí cụ thể về khả năng ứng dụng như trên, nhưng qua 4 năm tổ chức cuộc thi, không thấy Bộ GDĐT công bố dự án nào đạt giải được triển khai ứng dụng vào thực tế.
Đến ngày 19.12.2017, Bộ GDĐT ban hành Thông tư 32 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia HS trung học ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012.
Theo đó, tiêu chí đánh giá dự án dự thi được sửa đổi như sau: Câu hỏi hoặc vấn đề nghiên cứu: 10 điểm; Kế hoạch và phương pháp nghiên cứu: 15 điểm; Thực hiện kế hoạch nghiên cứu: 20 điểm; Tính sáng tạo: 20 điểm; Gian trưng bày: 10 điểm; Trả lời phỏng vấn: 25 điểm.
Trong phần phụ lục chi tiết hóa các tiêu chí nói trên, không còn các yêu cầu cụ thể về khả năng ứng dụng vào thực tiễn đối với các dự án dự thi, cũng như sự kế thừa, phát triển so với các dự án tương tự trước đó.
“Sản phẩm KHKT, cần chứng minh được tính mới, tính sáng tạo và đặc biệt là khả năng ứng dụng thực tiễn, bao gồm cả thiết kế, khả năng vận hành và chi phí sản xuất. Nếu không có khả năng ứng dụng thì tốt nhất không nên thi KHKT, sẽ gây lãng phí, và còn đem lại sự ngộ nhận cho HS” – thầy Lê Văn Lương (Hà Tĩnh) nêu quan điểm.
Cô Trương Lan Anh (Quảng Bình) nói: “Trong nhà trường phổ thông, nên hướng HS đến việc tích lũy kiến thức cơ bản, rèn luyện kĩ năng sống, khuyến khích các em nghiên cứu, sáng tạo xung quanh những vấn đề, lĩnh vực gần gũi, vừa sức, có hiệu quả, thiết thực, hơn là hướng đến các đề tài quá cao xa, vượt xa tầm hiểu biết và khả năng của các em, nhưng lại không đem lại ứng dụng thực tế”.
Theo số liệu từ Bộ GDĐT, sau 9 năm tổ chức cuộc thi KHKT học sinh, đã có 1.777 dự án đạt giải quốc gia và quốc tế, trong đó có 1.754 giải quốc gia, 23 giải quốc tế. Tuy nhiên, chưa có số liệu chính thức từ Bộ GDĐT về số lượng các dự án đạt giải được áp dụng vào thực tế.