Hành vi hành hung giáo viên của ông Nguyễn Hồng Phúc (42 tuổi, phụ huynh học sinh) đã là sai. Song còn xót xa hơn, cô giáo bị đánh ngay trên bục giảng, khi đang thực hiện nhiệm vụ dạy học sinh, bị đánh trước mặt hàng chục học sinh, khiến hình ảnh người thầy bị tổn thương nghiêm trọng.
Tại Long An, hơn hai năm trước, từng xảy ra một vụ việc phụ huynh học sinh hành hạ giáo viên khiến dư luận dậy sóng. Đó là trường hợp xảy ra tại Trường Tiểu học Bình Chánh, ông V.H.T ép buộc cô giáo B.T.T.N - giáo viên Trường tiểu học Bình Chánh – phải quì gối xin lỗi tại trường một cách ê chề…
Dùng lời nói để ép buộc, xúc phạm hay dùng hành động để hành hung, xét về bản chất đều là bạo lực – bạo lực tinh thần và bạo lực bằng cách dùng thượng cẳng chân hạ cẳng tay.
Hình ảnh người thầy bị tổn thương, bị xúc phạm vì những hành vi, hành động bạo lực từ một số phụ huynh. Nhưng những phụ huynh đó, cũng mất đi hình ảnh, tư cách của bậc làm cha làm mẹ khi sử dụng bạo lực làm tổn thương, xúc phạm người thầy.
Ở Nam bộ, tập quán xưa nay học trò thường gọi “thầy, cô” và xưng là “con”. Nghĩa là trong thâm tâm cũng coi thầy cô như bậc cha mẹ vì có công dạy dỗ không chỉ về kiến thức, học vấn mà cả đạo đức, tư cách làm người. Thầy cô là “cha, mẹ” ở trường của học sinh, với đạo lí truyền thống tôn sư trọng đạo. Ở những cấp học thấp, thầy cô thậm chí còn đóng cả vai trò chăm sóc từ bữa ăn đến giấc ngủ cho các học sinh bán trú.
Chúng ta không thể phủ nhận rằng có những trường hợp đơn lẻ một số giáo viên có những hành vi ứng xử, hành xử không phù hợp với học sinh, thậm chí dùng các biện pháp trách phạt bằng roi vọt hơi nặng, khiến cho học sinh đau đớn, sợ hãi, còn phụ huynh thì đau lòng. Song không vì thế, phụ huynh có quyền trừng phạt lại người thầy bằng cách xông vào trường dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu, hay bắt quì gối hạ nhục.
Nếu người thầy có lỗi thì còn có nhà trường, các tổ chức xem xét kiểm điểm, xử lí. Người thầy ngày nay không có quyền sử dụng bạo lực đối với học sinh, và các bậc phụ huynh càng không được sử dụng bạo lực đối với người thầy. Bởi đó không chỉ là hành vi bất chấp đạo lí tốt đẹp tôn sư trọng đạo, mà còn vi phạm pháp luật.
Chúng ta hẳn còn nhớ vụ “cô giáo 3 tháng không giảng bài” xảy ra tại TPHCM. Em học sinh lớp 12 khi kể lại việc này giàn giụa nước mắt. Bởi từ trong tâm khảm, chẳng học trò nào lại không muốn thầy cô luôn vui vẻ, thân thiện, ân cần với mình. Bởi trong tâm khảm người trò, thầy cô giáo như hình ảnh người cha người mẹ thứ hai cũng yêu thương trò như con như em.
Dùng lời xúc phạm, dùng tay chân hành hung thầy cô giáo, là đánh vỡ hình ảnh người thầy đẹp đẽ trong tâm khảm học trò, đó chính là sự thất bại lớn của bậc làm cha làm mẹ.