Theo Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là kinh doanh dịch vụ cho vay tiền, với lãi suất cho vay không quá 20%/năm. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các công ty, cửa hàng cầm đồ đã biến tướng nhiều loại hình dịch vụ, lách luật bằng các loại phí. Cụ thể, ngoài lãi suất, người vay phải chịu thêm nhiều loại chi phí khác như phí thẩm định, phí quản lý tài sản, bảo hiểm...
Ghi nhận tại một số cửa hàng cầm đồ trên đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội), hiện mức lãi suất phổ biến cho người vay là 1.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (0,1%/ngày). Tuy nhiên, trên thực tế, mức thu thấp nhất thường là 2.000 đồng/1 triệu đồng/ngày.
Theo luật sư Nguyễn Đức Toàn (đoàn Luật sư Hà Nội), tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (thường gọi là tội cho vay nặng lãi) được quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi 2017), người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Phạm tội mà thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Cho vay lãi nặng là trường hợp bên cho vay tiền với mức lãi suất gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định tại Khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự (20%/năm).
Trường hợp cho vay bằng tài sản khác (không phải là tiền) thì khi giải quyết phải quy đổi giá trị tài sản đó thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay. Thu lợi bất chính là số tiền lãi vượt quá mức lãi suất vay cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự và các khoản thu trái pháp luật khác của người vay. Trường hợp thu lợi bất chính là tài sản khác (không phải là tiền) thì phải được quy đổi thành tiền tại thời điểm chuyển giao tài sản vay.
Như vậy, theo Điều 201 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự có thể bị phạt tù đến 3 năm.
Trường hợp cho vay lãi nặng đã hết thời hạn vay theo thỏa thuận thì số tiền thu lợi bất chính để xác định trách nhiệm hình sự bao gồm tiền lãi và các khoản thu trái pháp luật khác mà người vay phải trả cho người cho vay sau khi trừ đi số tiền lãi tương ứng với mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật Dân sự trong cả kỳ hạn vay…
Điều kiện xét vay vốn của tổ chức tín dụng được quy định tại Điều 7, Khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN với các điều kiện sau:
Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp (được hiểu là không phải là bất hợp pháp); Có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ; Có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh…
Khách hàng vay vốn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện vay vốn, đồng thời phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các tài liệu chứng minh đủ điều kiện vay vốn và các tài liệu khác do tổ chức tín dụng hướng dẫn, kể cả cho vay vốn cầm cố bằng tiền gửi tiết kiệm…