Sự việc mới diễn ra hôm qua, 5.3.2022. Hàng trăm người dân mua đất của Công ty CP Bách Đạt An từ nhiều nơi đã kéo vào khu vực Trung tâm hành chính thị xã Điện Bàn, Quảng Nam dựng lều yêu cầu Công ty CP Bách Đạt An trả lại tiền mua đất. Ngoài ra, người dân còn đề nghị Thanh tra chính phủ vào cuộc, yêu cầu chính quyền giao sổ đất cho dân...
Không thể thống kê hết những lần phản ứng tập thể kiểu này của người dân, nhà đầu tư thứ cấp, sau khi mua đất ở các khu đô thị Điện Nam- Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam trong vòng 4 năm qua.
Khi thì tụ tập ngay khu đô thị mới - nơi người dân mua đất. Lúc thì kéo đến trụ sở nhà phân phối - Công ty bất động sản Hoàng Nhất Nam, đến trụ sở của chủ đầu tư, Công ty Bách Đạt An, nhà riêng của chủ dự án... tại Đà Nẵng. Cũng không ít lần, những nhà đầu tư thứ cấp, người mua đất ở các dự án này kéo đến trước Trung tâm hành chính, Thành ủy Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam tại Tam Kỳ và thị xã Điện Bàn... để kêu cứu, gây áp lực lên chính quyền.
Tất nhiên, không có chủ đầu tư, nhà phân phối hay chính quyền địa phương nào có thể đáp ứng ngay đòi hỏi của những người mua đất này. Bởi, phần lớn các dự án bất động sản này đã mua bán, sang nhượng nhiều tầng nấc, thông qua nhiều công ty, cá nhân môi giới, nhà phân phối khác nhau... trong khi tính pháp lý - cái gốc của dự án thì chưa được đầy đủ, đúng pháp luật.
Để giải quyết được những tranh chấp phức tạp, đa dạng kiểu này thì chỉ có tòa án kinh tế, tòa dân sự mới giải quyết được chứ không chính quyền nào có thể làm thay.
Đòi hỏi của người dân là chính đáng. Nhất là những người đã bỏ ra tiền tỉ, đóng gần 90% - 95% giá trị lô đất, từ những năm 2017 đến nay mà vẫn chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chưa được giao đất... Đặc biệt, những người vay vốn để đầu tư thì hết sức khốn đốn, vỡ nợ.
Nhưng như đã nói trên, việc mua bán này là tự nguyện, giao dịch dân sự, nhiều trường hợp không ra công chứng, không thông qua chính quyền. Thậm chí, để lách luật, mua bán dự án trên giấy, nhà đầu tư, nhà phân phối thậm chí còn "lách luật", bán đất dưới hình thức ký hợp đồng góp vốn theo tiến độ.
Hiện nay các vụ tranh chấp giữa nhà phân phối, chủ dự án, tranh chấp giữa nhà đầu tư thức cấp với nhà phân khối, tranh chấp cá nhân... đang được toà án các địa phương thụ lý, hoặc chờ xét xử nhiều cấp khi chưa đạt thỏa thuận. Về phía chính quyền Quảng Nam cũng tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm xử lý, khắc phục. Nhưng thời hạn bao lâu và kết quả cụ thể như thế nào thì không ai nói trước được.
Sốt đất, đua nhau đầu tư bất động sản vẫn theo những "cơn sóng" của thị trường, tiếp tục cuốn hút nhiều người dân tham gia. Nhưng, những vụ tranh chấp, bị "ngâm" sổ đỏ, "ngâm" đất 4 đến 5 năm như thế này luôn là bài học cho những người muốn đầu tư, mua bán đất đai hiện nay. Tỉnh táo để tìm hiểu kỹ lưỡng, rà soát tính pháp lý đối với từng lô đất, khu đô thị trước khi quyết định đầu tư, xuống tiền tỉ để mua là điều hết sức cần thiết. Đừng vì lợi nhuận trước mắt hay tin ngay lời hứa "như đinh đóng cột" của các đơn vị môi giới, cò đất để rồi sẽ gánh hậu quả nặng nề về sau.