Là tài xế thường xuyên di chuyển trên quốc lộ 14, anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, trú TP.Pleiku, Gia Lai) cho biết: “Khi xe tải vào địa phận TP.Kon Tum thì rất dễ nhận biết do phải đi qua 2-3 cổng chào liên tiếp. Cổng chào phía Nam thành phố hơi thấp, chân cổng chào gần sát với mép đường nên tài xế phải rà thắng, giảm tốc độ tránh ôm cua va vào chân cổng chào. Nhưng đáng lo nhất là khi mưa gió lớn, cổng chào yếu, kết cấu bằng sắt lỏng, nhôm, các tấm alu và hệ thống bảng điện tử nên dễ bị gió bão quật ngã”.
Trong nhiều công văn gửi đến của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhắc đến cổng chào ở thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình từng bị ngã đổ do mưa bão. Các cổng chào lòe loẹt, tốn kém tiền tỉ ở Đồng Hới cũng từng bị dư luận lên tiếng.

Không chỉ kết cấu yếu, không đủ sức chống chọi với gió bão mà còn tiềm ẩn tai nạn, nguy hiểm tính mạng cho người dân đi đường. Khác với cổng chào ở TP.Kon Tum thì các cổng chào ở Đồng Hới có thể tháo dỡ ra từng bộ phận một. Khi có gió bão lớn, chính quyền thành phố thường thuê nhân công, phương tiện để tháo dỡ cất cổng chào… vào kho. Hết bão mới mang ra lắp ráp lại, đơn giản vậy nhưng hàng năm ngân sách cũng chi trả khoản kha khá.
Ông Phạm Văn Hai - một người dân ở TP.Kon Tum cho hay, nếu UBND thành phố nhất quyết dỡ bỏ các cổng chào thì sẽ rất tốn kém. Bởi các cổng chào được làm cố định, khi tháo buộc phá hủy các cấu kiện sắt, nhôm, bảng điện tử. “Người dân ủng hộ các cổng chào với mục đích trang trí, tăng thêm ánh sáng phố thị ở khu vực nội đô. Còn những cổng chào mọc liên tiếp ở quốc lộ là thừa thãi, vô ích, lãng phí”, ông Hai nói.
UBND TP.Kon Tum (chủ đầu tư 13 cổng chào trên địa bàn từ năm 2021 đến nay) lý giải việc xây dựng loạt cổng chào nhằm mục đích tăng cường ánh sáng đô thị, thu hút khách du lịch và nằm trong chương trình, kế hoạch chỉnh trang đô thị. Hầu hết người dân ủng hộ, đồng tình với chính quyền đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, thu hút các dự án đầu tư. Nhưng thực tế, trên đường thiên lý bắc nam, ít có có địa phương nào xin phép làm thủ tục xây cổng chào trang trí “vắt” ngang quốc lộ. Vì đây là việc làm nguy hiểm khi lưu lượng xe cộ di chuyển trên quốc lộ lớn, xe chạy với tốc độ cao, tiềm ẩn tai nạn nghiêm trọng đối với giới tài xế. Thay vì đổ nguồn vốn vào xây cổng chào, TP.Kon Tum có thể đầu tư hệ thống đèn đường chiếu sáng, hộ lan, biển cảnh báo dọc quốc lộ để tránh các tai nạn.