Sau hơn 30 năm công tác ở nhiều vị trí khác nhau, ông Trần Hoàng Vũ (74 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường 7, thành phố Bạc Liêu, Bạc Liêu) mong được an hưởng tuổi già cùng con cháu. Thế nhưng, cuộc sống, sinh hoạt của cả nhà ông đều bị phiền hà và ảnh hưởng bởi những tiếng loa được phát ra từ các nhà yến xung quanh.
“Không chỉ riêng gia đình tôi mà hàng chục hộ dân ở đây đều rất khó chịu trước tiếng ồn từ loa dẫn dụ chim yến. Không chỉ vậy, phân chim yến bám đầy tường nhà, nóc nhà gây mùi hôi khó chịu. Tôi biết là Chính phủ đã ban hành nghị định quy định về khung giờ, cường độ âm thanh của tiếng loa, nhưng hơn 2 năm nay vẫn vậy. Những nhà yến ở xung quanh vẫn mở loa suốt ngày, nghe đinh tai nhức óc”, ông Vũ bức xúc.
Ghi nhận tại Khu dân Địa Ốc (phường 1, thành phố Bạc Liêu) nhiều người dân cũng có chung nỗi bức xúc. Khoảng 22h40 phút, hàng chục nhà yến vẫn rôm rả tiếng chim yến phát ra từ những chiếc loa với âm lượng khá lớn.
Bà N.T.N.M bày tỏ bức xúc: “Chúng tôi cắn răng chịu đựng 14 năm nay. Đi làm về là đóng cửa suốt, nhưng vào tới phòng ngủ vẫn còn nghe rõ mồn một. Cứ ngỡ, khi có quy định về cường độ âm thanh, khung giờ mở loa sẽ đỡ khổ, vậy mà các nhà yến vẫn cạnh tranh nhau mở loa bất chấp”, bà M thở dài.
Còn tại TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) cũng có rất nhiều hộ nuôi chim yến ở khu trung tâm như đường Lý Thường Kiệt, Hùng Vương, Lê Duẩn, Lê Hồng Phong khiến nhiều hộ dân sống gần bị ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Bình (ngụ phường 1) cho biết: “Ở ngay chợ trung tâm thành phố có mấy hộ nuôi chim yến trên tầng cao. Từ khi họ nuôi, chúng tôi rất khổ khi người già, trẻ nhỏ không thể nào nghỉ ngơi được vì tiếng chim yến từ loa phát ra rất ồn”, ông Bình bày tỏ.
Kiên Giang là tỉnh có số nhà nuôi chim yến nhiều nhất tại ĐBSCL với trên 2.800 nhà nuôi yến, tập trung nhiều nhất ở TP Rạch Giá, TP Hà Tiên, huyện Hòn Ðất, huyện Kiên Lương.
Cũng không khác gì một số địa phương khác, nghề nuôi chim yến ở Kiên Giang cũng gây phiền hà, bức xúc cho nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi tiếng chim.
“Tôi làm việc tại bệnh viện, áp lực từ việc khám, điều trị bệnh cho bệnh nhân đã thấy mệt mỏi, về đến nhà lại càng thấy mệt mỏi, chán nản hơn vì tiếng loa chim yến cứ phát ra rả suốt ngày và cả buổi tối. Dù rất bức xúc nhưng vẫn phải chịu, bởi không lẽ phải dời nhà đi nơi khác!?”, anh Trần Đức Tài, (ngụ phường Vĩnh Lạc, TP Rạch Giá, Kiên Giang) cho biết.
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Duy Hưng cho biết, tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 1.100 nhà nuôi yến với tổng đàn hơn 500 nghìn con.
Nhà nuôi yến được người dân xây dựng theo kiểu tự phát, phần lớn nằm trong các khu dân cư ảnh hưởng đến nhiều hộ dân xung quanh và gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh. Trước đây, do chưa có những hành lang pháp lý nên cũng khó xử lý những tồn tại trong nghề nuôi chim yến.
“Chúng tôi cũng đã tăng cường công tác quản lý, giám sát cũng như đăng ký nghề nuôi chim yến theo Nghị định số 13 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết về Luật Chăn nuôi. Trong đó, Điều 25 nói về Quản lý nuôi chim yến (dẫn dụ chim yến); Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Cụ thể, Chi cục sẽ phối hợp với Sở TNMT thường xuyên kiểm tra thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến. Nếu phát hiện có cường độ âm thanh đo tại miệng loa vượt quá 70 dBA; thời gian phát loa phóng để dẫn dụ chim yến không đúng với khung giờ từ 5 giờ đến 11 giờ 30 và từ 13 giờ 30 đến 19 giờ mỗi ngày thì sẽ xử phạt nghiêm.
Cùng với đó, kiểm tra, quản lý chặt việc đăng ký gây nuôi, xây nhà yến theo quy định vùng nuôi của tỉnh đã ban hành. Làm tốt việc này sẽ không phát triển các nhà yến trong khu dân cư như trước đây”, ông Hưng thông tin thêm.