Cha ơi, về với con!
Cơn mưa nặng hạt như trút xuống làng biển Đông An, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, dòng người đưa tang ngư dân Lương Hùng Vương gặp nạn trong vụ chìm tàu buồn bã lê bước trở về nhà.
Đây đã là đám tang thứ 2 trong cùng 1 ngày của ngư dân tử nạn.

Bỏ lại sau lưng tiếng chiêng, trống não nề, chị Đặng Thị Bình - vợ ngư dân Lương Ngọc Anh (em trai anh Lương Hùng Vương), hiện còn mất tích - lại dắt 2 đứa con (con gái 7 tuổi, con trai 5 tuổi) ra bến cảng, khắc khoải nhìn về phía biển. Mưa, gió rít ảm đạm, trông chờ vậy nhưng đến nay, thông tin về anh vẫn bặt vô âm tín.
Sau nhiều ngày lực lượng cứu nạn và tàu ngư dân nỗ lực tìm kiếm nhưng vô vọng, bạn biển cùng đi trên tàu với anh trở về báo tin buồn, rằng anh Anh và 12 ngư dân khác nhiều khả năng đã chìm cùng xác tàu. Nhưng chị không tin, chị an ủi các con "cha còn bận việc, rồi mai kia cha sẽ về".

Nhìn ánh mắt buồn của đứa con trai 5 tuổi, ngồi yên trên bờ cát, nhìn vô định vào những con sóng bạc đầu trong chiều muộn mà xót xa. Nghe các con thì thầm gọi "Cha ơi, về với con", chị Bình òa khóc nức nở.
Trên con đường dẫn vào làng Đông An, những ngôi mộ gió có tên nhưng không có xương cốt của người đã khuất - được thay thế bằng những hình nhân, hướng ra phía biển. Ít hôm nữa, lại thêm những mộ gió mọc lên giữa những nấm mồ đã xanh cỏ.
Thay chồng lo cho cha mẹ già, con thơ
Trong cơn bão Chanchu năm 2006, cả tỉnh Quảng Nam có 17 tàu đánh cá bị chìm và 240 người chết, mất tích trên biển. Làng Đông An khi ấy đã mất đi 21 ngư dân khỏe mạnh - những trụ cột của gia đình.
Bà Đặng Thị Tui đã mất đi em trai trong cơn bão Chanchu, nay anh trai và cháu ruột của bà nằm trong danh sách 13 ngư dân mất tích. Bà nức nở kể, dù đã đắp mộ, nhưng gia đình vẫn tích cực tìm kiếm, hễ nghe ở đâu có thông tin xác người trôi dạt vào bờ, hay được chôn cất… là cả nhà lặn lội tìm đến tận nơi để mong nhận xác người thân mang về chôn cất.

Năm tháng trôi qua, rồi hy vọng tắt dần, “thà tìm được xác người thân để gia đình cảm thấy an ủi, chứ cứ chờ đợi trong mỏi mòn, nhìn nấm mộ gió chỉ gợi lại vấn vương, đau buồn”, bà Tui xót xa.
Mặc dù có thể kiếm tiền, nhưng mỗi mùa đi biển là một mùa đầy bất trắc của ngư dân. Năm nào cũng có một vài vụ tai nạn chìm tàu, thương vong và cả mất tích trên biển. Như câu ca dao "Lấy chồng nghề biển, hồn treo cột buồm", đàn bà ở làng biển luôn sống trong thấp thỏm lo âu, quên ăn, quên ngủ cho đến khi chồng con trở về an toàn, nhưng họ cũng mạnh mẽ đến không ngờ.

Đàn ông trụ cột ở lại với biển, những góa phụ khóc đến cạn khô nước mắt, từ nay họ sẽ gánh trên đôi vai trách nhiệm thay chồng chăm sóc cha mẹ già, con thơ...
17 năm sau nỗi đau mất chồng trong cơn bão Chanchu, chị Trần Thị Xanh (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) một mình nuôi 2 con khôn lớn, tốt nghiệp đại học. Ngần ấy thời gian, chị chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ chồng.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, vợ ngư dân Lương Hùng Vương, chia sẻ: "Anh mất đi, từ nay em vừa là cha, vừa là mẹ của 2 con thơ, nên phải tự động viên mình vượt qua nỗi đau để làm tròn phận con dâu với cha mẹ già, nuôi 2 con khôn lớn, cố gắng cho con ăn học tới nơi tới chốn để sau này chúng không phải theo nghiệp biển lênh đênh nữa".