Có lợi ích nhóm hay không?
Ngày 2.1 tới đây, hơn 400 xe khách phải chuyển bến đón khách từ Bến xe Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm. Tuy nhiên, vì chưa đến giờ G, nên các xe khách phải chuyển về bến mới (chủ yếu là Bến xe Nước ngầm) vẫn vào Bến Mỹ Đình bình thường. Chỉ có điều rất không bình thường là không ít lái xe không chịu mở cửa đón khách. Có thể nói, đây là một hình thức lãn công phản đối trước quyết định của UBND TP và Sở GTVT về việc phải dịch chuyển bến xe đón khách.
Một góc độ nào đó, trước Tết dương lịch, Tết nguyên đán, việc phải điều chuyển bến bãi sẽ gây một chút khó khăn cho các chủ xe và lái xe. Lý do chủ yếu là khách đã và đang quen đi bến bãi cũ. Chính vì vậy, có bác tài đã trả lời phỏng vấn báo chí cho rằng, nếu chuyển bến như vậy thì họ chỉ có phá sản. Đó là chuyện dễ thông cảm với các chủ xe và lái xe. Nhưng nếu bình tĩnh suy xét, nếu có sự tuyên truyền tốt, chỉ trong một tuần hành khách sẽ biết và sẵn sàng chuyển đến bến mới để đón xe. Vấn đề cần đặt ra là, công tác tuyên truyền về việc di chuyển này các sở chức năng đã làm tốt hay chưa mà thôi.
Thậm chí, có báo điện tử lớn phỏng vấn một vị khách đi bến xe Mỹ Đình. Vì khách này than rằng, nếu phải đến Bến xe Nước ngầm thì ông ta phải đi xa thêm chục cây số. Vị khách đó nói như vậy cũng là bình thường. Nhưng, vì sao trước khi đưa ý kiến của vị khách này, phóng viên không đặt câu hỏi ngược lại với chính mình: Vậy, những người ở gần Bến xe Nước ngầm thì sao? Và quan trọng nhất, cần đặt câu hỏi: Vì sao thành phố phải quyết tâm hoán đổi một số tuyến ở các bến bãi đó? Liệu việc hoán đổi này có lợi cho cộng đồng hay có dấu hiệu lợi ích nhóm hay không? Theo tôi đây mới là vấn đề quan trọng nhất.
Do đó, chúng tôi muốn đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Có hay không lợi ích nhóm ở đây?
Quyết tâm của thành phố: Không thể chậm trễ hơn
Thứ nhất, việc quy hoạch này đã được Bộ GTVT vạch ra từ lâu và Sở GTVT cũng đã lên phương án cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, khuyết điểm của “Sở GTVT và các đơn vị triển khai thực hiện quá chậm” – Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung đã thẳng thắn phê bình trong cuộc họp giao ban ngày 19.12.2016 tại trụ sở UBND TP Hà Nội.
Thứ hai, trong tờ trình số 156 (ngày 28.12.2016) của UBND TP Hà Nội gửi Bộ GTVT đã nêu rõ một số nguyên tắc sắp xếp. Trong đó, để đảm bảo công bằng, không để lợi ích của bất cứ ai, bất cứ nhóm nào có thể lợi dụng, một nguyên tắc rất quan trọng được đưa ra: “Điều chuyển toàn bộ các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh của cùng một tỉnh (thành phố) về cùng một bến xe tiếp nhận.”
Để đảm bảo tránh ùn tắc, một nguyên tắc rất quan trọng là “giảm ùn tắc giao thông trên trục tuyến đường vành đai 3 và các đường hướng tâm vào thành phố”. Bởi những người sống ở Hà Nội đều biết, khi mới hình thành vành đai 3, mật độ giao thông còn chưa cao. Tuy nhiên, tốc độ đô thị vượt quá nhanh so với dự báo, hiện vành đai 3 đã được coi là đường nội đô và mật độ thì cũng đã quá tải rất nhanh so với dự kiến.
Thứ ba, các bến xe hiện được kết nối với nhau và kết nối với các khu vực ngoại thành bằng các tuyến xe buýt với mật độ khá cao (tối thiểu 1.400 lượt/ngày). Dù rằng, các tuyết buýt vẫn chưa đáp ứng tốt như cầu đi lại của người dân, nhưng cũng là sự cố gắng rất lớn của ngành giao thông và của thành phố.
Thứ tư, nhìn tổng thể, sau khi việc điều chuyển, thì chỉ có 2 bến xe có xáo trộn lớn nhất là Mỹ Đình và Nước Ngầm. Trong đó, Bến xe Mỹ Đình bị giảm đi 425 chuyến, nhưng công suất vẫn đảm bảo tương đối: 1632 chuyến/ 2040. Còn Bến xe Nước Ngầm tăng thêm 411 chuyến, nhưng công suất vẫn đảm bảo tốt: 885/ 1.106. Còn lại các bến xe khác, việc thay đổi không đáng kể, chỉ tăng, giảm từ 9 – 45 chuyến/ngày
Thứ năm, Sở GTVT cũng đưa ra 2 phương án sắp xếp lại giao thông với những phân tích đầy đủ, công khai, minh bạch trước công luận những ưu, khuyết điểm. Việc lựa chọn phương án 2, tuy giải quyết được một loạt vấn đề như: Điều chuyển cơ bản các luồng tuyến vận tải qua khu vực ùn tắc giao thông. Cụ thể là đường vành đai 3, đường Giải phóng; 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Nước ngầm cơ bản đảm bảo luồng tuyến theo định hướng quy hoạch…Tuy nhiên, những tồn tại vẫn được nêu rất cụ thể: Chưa giải quyết đượccác luồng tuyến theo quy hoạch của các bến xe còn lại. Điều này chỉ được giải quyết khi xây dựng xong các Bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) và Thanh Trì.
Đặc biệt, để giải quyết sự hỗn loạn, lo lắng của hành khách, sở GTVT cùng các đơn vị chức năng kịp thời đưa các xe buýt miễn phí để vận chuyển khách từ Bến xe khách Mỹ Đình về Bến xe Nước Ngầm. Một phản ứng nhanh, quyết đoán của ngành Giao thông, nhờ vậy, sự hỗn loạn nhanh chóng được “hạ nhiệt”.
Và cuối cùng, trong công văn hỏa tốc số 15.792 ngày 30.12.2016 của Bộ GTVT đã cơ bản với các phương án đề xuất của UBND TP Hà Nội.
Chắc chắn, sẽ khó tránh khỏi những tâm tư, những bức xúc của doanh nghiệp vận tải xe khách khi dịch chuyển lớn một lượng xe khách lớn như vậy. Nhưng quan trọng, việc làm này là cần thiết và cũng không thể chậm trễ hơn.
Do đó, dư luận hoàn toàn đồng tình với quan điểm của TP Hà Nội “Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải có xe bỏ chuyến , UBND TP sẽ giao Sở GTVT xem xét, xử lý theo quy định của Nhà nước và thành phố” (Công văn số 309 ngày 29.12.2016 của UBND TP Hà Nội).
Để triển khai quyết định này của thành phố, ông Vũ Văn Viện- Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết: Sở GTVT Hà Nội cũng sẽ đề nghị các Sở Giao thông các tỉnh thu hồi phù hiệu 1 tháng nhà xe bỏ rơi khách ở bến Mỹ Đình. Trường hợp chưa thực hiện xử lý, các bến xe ở Hà Nội sẽ từ chối phục vụ đối với các nhà xe này.