Bỗng dưng bị quấy rối, xúc phạm
Ngày 25.5, ông Phan Thanh Dân - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Lộc Hà cho biết: “Cách đây khoảng 1 tuần, có khoảng hơn chục số điện thoại lạ cứ điện vào số điện thoại của tôi từ tầm lúc 11h30 đến 13 giờ.
Tôi hỏi có việc gì không thì họ nói: Thầy nói thầy Y. trả nợ cho với. Rồi tôi nói chuyện vay nợ của thầy Y., tôi không biết, vậy chiều tối nói thầy Y. gọi lại. Nhưng đến chiều, thầy Y. gọi lại thì họ không bắt máy”.
Cũng theo ông Dân, qua trao đổi, nắm bắt sự việc từ thầy Y. (là chuyên viên phòng GDĐT Lộc Hà) thì thầy cho biết, mình không vay, nhưng vợ là cô T. (công tác tại Trường THCS Thạch Bằng) có vay tiền của một công ty tài chính trên mạng.
Khi ông Dân gọi cô T. để nắm tình hình thì cô T. cho biết, trước đây cô có vay nhưng sau đó vợ chồng cô đã trả hết nợ rồi.
“Sự việc sau đó họ lại lấy hình ảnh đăng bậy bạ, phản cảm lên mạng xã hội nói sai sự thật kiểu như tôi bảo kê cho con nợ” - ông Dân chia sẻ thêm.
Vì quá bức xúc khi bị khủng bố, bôi nhọ làm ảnh hưởng danh dự nên lãnh đạo phòng GDĐT Lộc Hà đã tổ chức họp bàn và quyết định gửi đơn kiến nghị đến Công an huyện Lộc Hà, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh nhờ xác minh, để xử lý các đối tượng "giấu mặt” đó.
Trưởng phòng GDĐT huyện Lộc Hà còn khẳng định, không chỉ ông mà các phó phòng và nhiều chuyên viên của phòng cũng bị các số điện thoại lạ gọi điện “khủng bố” kiểu yêu cầu tác động để thầy Y. trả nợ như vậy.
Sự việc tương tự cũng xảy ra với lãnh đạo Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh (ở thị trấn Hương Khê).
Chiều ngày 25.5, ông Đặng Thái Mân - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh cho biết, khoảng 1 tuần trước có một Facebook ảo đăng thông tin sai sự thật nói lãnh đạo nhà trường bảo kê cho con nợ là giáo viên trong trường.
Ban giám hiệu nhà trường đã gửi đơn kiến nghị đề nghị xác minh, xử lý lên Công an huyện Hương Khê, Sở Thông tin và truyền thông Hà Tĩnh.
Theo ông Mân, qua nắm bắt thì một thầy giáo trong trường cho biết, trước đây anh có vay nợ trên mạng nhưng hiện chưa trả hết nợ.
"Việc nợ nần là việc cá nhân của họ, lãnh đạo nhà trường không liên quan, không xác nhận gì để hoàn thiện về thủ tục cho khoản vay đó. Vậy mà họ gọi điện rồi đăng Facebook ảo sai sự thật làm ảnh hưởng đến chúng tôi" - ông Mân trao đổi.
Công an đang vào cuộc xác minh
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, anh L.K.Y. (chuyên viên phòng GDĐT Lộc Hà) cho biết, trước đây, vợ anh có vay một khoản tiền trên mạng, sau đó đến năm 2020, anh và vợ đã trả xong hết.
Thế nhưng, không hiểu sao nay lại có đối tượng lạ đăng thông tin lên mạng bêu riếu, bôi nhọ. Trong khi các đối tượng không tương tác, liên hệ gì với gia đình anh để biết chính xác ai đang đòi nợ, nợ khoản nào.
“Nếu họ liên hệ trực tiếp với mình, chứng minh được mình nợ bao nhiêu thì mình thanh toán cho xong. Chứ đằng này họ không liên hệ mà lại đi “khủng bố” những người khác cùng cơ quan, hoặc người thân, bạn bè mình làm ảnh hưởng, phiền phức đến mọi người” - anh Y. chia sẻ.
Thượng tá Dương Quang Tùng - Trưởng Công an huyện Lộc Hà cho biết, sau khi nhận được đơn của Phòng GDĐT Lộc Hà, Công an huyện Lộc Hà đã chỉ đạo đội an ninh đi xác minh, làm rõ.

Ông Phạm Văn Báu - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông (TTTT) Hà Tĩnh cho biết, Sở đã nhận được văn bản của Phòng GDĐT huyện Lộc Hà, của Trường THCS và THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh bị các đối tượng dùng số điện thoại lạ và dùng Facebook ảo đăng tin sai sự thật để bôi nhọ.
Mục đích theo nắm bắt ban đầu là nhằm gây áp lực để yêu cầu can thiệp, tác động bắt cấp dưới trả khoản nợ vay qua mạng.
Thanh tra Sở TTTT Hà Tĩnh đang phối hợp với công an để xác minh, làm rõ.