Nhiều điểm bất cập trong quy định thi tuyển giáo viên THPT ở Quảng Nam

THẠCH KIỀU ​ |

Theo kế hoạch, sắp tới (ngày 22-23.2.2017), Quảng Nam tuyển dụng 110 giáo viên THPT để bổ sung đội ngũ giáo viên của địa phương đang thiếu. Thời gian thi tuyển cận kề, các thí sinh dự tuyển là thầy, cô giáo đang dạy hợp đồng rất băn khoăn, lo lắng bởi nhiều điểm bất cập trong quy định tuyển dụng viên chức của tỉnh nhà.

Xét tuyển hay thi tuyển ?

Theo quy định của Hội đồng tuyển dụng viên chức Quảng Nam, nội dung xét tuyển căn cứ vào kết quả học tập (bao gồm điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển) và điểm kiểm tra, sát hạch năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Cụ thể, điểm học tập (được xác định bằng điểm trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn khóa) được tính hệ số 1; điểm tốt nghiệp (được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn thi tốt nghiệp hoặc điểm bảo vệ luận văn tốt nghiệp) hệ số 1; điểm kiểm tra, sát hạch bằng hình thức phỏng vấn (hệ số 2). 

Sở GD&ĐT Quảng Nam gọi đây là phương thức xét tuyển, nhưng thực ra đây là hình thức xét tuyển kết hợp với hình thức thi tuyển, vì có phần thi vấn đáp trong nội dung kiểm tra, sát hạch năng lực, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.

Chế độ ưu tiên bị đặt vào vị trí thứ yếu, sau cùng!

Trong tuyển dụng việc làm, những người thuộc đối tượng như Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Thương binh, con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh, bộ đội xuất ngũ, người có nhiều đóng góp, cống hiến... phải được ưu tiên đặc biệt theo chế độ, chính sách của Nhà nước. Trong tuyển dụng viên chức, những người thuộc đối tượng ưu tiên phải được hưởng chế độ ưu tiên hợp lý, thỏa đáng trong thi tuyển, xét tuyển.

Thế nhưng Sở GD&ĐT Quảng Nam lại đưa ra quy định: “Trường hợp có từ 2 người trở lên có kết quả xét tuyển bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng cần tuyển dụng thì người có điểm kiểm tra, sát hạch cao hơn là người trúng tuyển; nếu điểm kiểm tra, sát hạch bằng nhau thì Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức quyết định người trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên quy định như sau:

- Anh hùng lực lượng vũ trang

- Anh hùng lao động

- Thương binh

- Người được hưởng chính sách như thương binh

- Con liệt sĩ

- Người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày 30/11/2015) tại các trường THPT, PTDT nội trú công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Nam (người có thời gian hợp đồng nhiều hơn được ưu tiên trước).

- Con thương binh

- Con người hưởng chính sách như thương binh

- Người dân tộc ít người

- Đội viên thanh niên xung phong

- Đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ

- Người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự (*)

“Ưu tiên” kiểu này khác gì không ưu tiên, ưu tiên hình thức? Ưu tiên chỉ áp dụng cho những người có mức điểm thấp bằng nhau ở chỉ tiêu cuối cùng (cho đủ số lượng tuyển dụng)?

Chế độ ưu tiên là quyền lợi chính đáng được hưởng đối với những người được ưu tiên (dù họ điểm cao hay điểm thấp) và họ phải được cộng điểm ưu tiên ngay từ đầu chứ không phải để “vớt”, để “an ủi” như vậy. Việc ưu tiên phải được quan tâm trước tiên, chứ không phải bị đánh xuống hàng thứ yếu như vậy.

Thứ tự ưu tiên quá bất hợp lí

Như quy đinh được trích dẫn ở trên, những “người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên tại các trường THPT, PTDT nội trú công lập” được đưa lên ở vị trí “ưu tiên” thứ 6, được “ưu tiên” hơn cả các các đối tượng khác như: con thương binh; con người hưởng chính sách như thương binh; người dân tộc ít người; đội viên thanh niên xung phong; đội viên tri thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi từ đủ 24 tháng trở lên đã hoàn thành nhiệm vụ; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Sắp xếp thứ tự ưu tiên như thế là quá bất hợp lý: "Người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên tại các trường THPT, PTDT nội trú công lập" làm sao xứng đáng để ưu tiên hơn con thương binh, đội viên thanh niên xung phong, tình nguyện; người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự ?

Đó là chưa kể, trong thời điểm hiện hiện nay, khi mà người thuộc đối tượng như “Anh hùng lực lượng vũ trang”, “Anh hùng lao động”, “Thương binh”, “Người được hưởng chính sách như thương binh”, “Con liệt sĩ” rất hiếm trong danh sách dự tuyển viên chức, thì khi đó đối tượng "người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên tại các trường THPT, PTDT nội trú công lập” sẽ được vượt lên ưu tiên ở vị trí số 1, “qua mặt” nhiều đối tượng ưu tiên khác.

Phân biệt giáo viên hợp đồng trường công lập và trường ngoài công lập

Theo quan điểm xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước, mô hình giáo dục công lập hay tư thục đều được bình đẳng, tôn trọng như nhau. Giáo viên (dù là dạy hợp đồng) ở trường công hay tư đều có những đóng góp nhất định cho giáo dục, đều có kinh nghiệm ngang nhau, bằng cấp ngang nhau. Vậy, tại sao Hội đồng xét tuyển chỉ ưu tiên cho “người dự tuyển đã có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên tại các trường THPT, PTDT nội trú công lập”? Quy định như vậy là quá bất công đối với giáo viên hợp đồng lâu năm ở trường dân lập, tư thục.

Phân tích điểm bất cập này, người viết bài này thật xót xa cho nhiều giáo viên dạy trường dân lập, tư thục ở Quảng Nam. Họ như người đứng “ngoài cuộc chơi” thiên lệch này, mặc dù thời gian hợp đồng (có đóng BHXH) của họ từ 5 - 10 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa. Có lẽ điển hình nhất là trường hợp của thầy Lưu Văn Tùng, giáo viên dạy Toán ở thành phố Tam Kỳ. Tổng thời gian đứng lớp của thầy là 14 năm 6 tháng (gồm 14 năm dạy hợp đồng ở trường THPT tư thục Hà Huy Tập và 6 tháng hợp đồng ở trường THPT Trần Cao Vân (thành phố Tam Kỳ). Chuyên môn của thầy rất vững, có uy tín cao trong đồng nghiệp và phụ huynh, học sinh. Học sinh lớp thầy do thầy giảng dạy, bồi dưỡng có em đạt giải Nhất cuộc thi giải Toán trên mạng bằng tiếng Anh.

Thế mà giờ đây thầy Tùng (cũng như nhiều thầy cô dạy khác hợp đồng ở trường ngoài công lập) tiêu tan hết niềm hi vọng bởi “cú sốc” thi tuyển viên chức lần này của tỉnh nhà.

Năm 2008, giáo viên dạy hợp đồng trường ngoài công lập từng bị một “cú sốc” như thế, nhưng may sao sau đó, trước sự phản đối bức xúc của những giáo viên trong diện này, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam can thiệp nên một số giáo viên mới có cơ hội được đặc cách vào biên chế.

Phân biệt giáo viên trường công lập, ngoài công lập là một quan điểm bất hợp lý, xa lạ với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về giáo dục.

Thi vấn đáp, liệu có khách quan, công bằng ?

Thi vấn đáp trong tuyển viên chức chắc chắn không khách quan, công bằng và tối ưu so với thi giảng, thi trắc nghiệm... Thi giảng thì rất hay nhưng e rằng khó khả thi vì hình thức này mất quá nhiều thời gian.

Thi trắc nghiệm có ưu thế vượt trội, mang tính khách quan rất cao (vì có máy tính chấm trắc nghiệm).

Còn thi vấn đáp, câu hỏi đặt ra cho mỗi thí sinh không thể trùng nhau hoàn toàn, như vậy độ khó dễ sẽ khác nhau ở mỗi thí sinh. Độ “vênh” câu hỏi vấn đáp giữa các thí sinh là không tránh khỏi. Trong khi đó, điểm phần thi vấn đáp có hệ số 2, nên tính “hên, xui” vẫn có thể xảy ra. Hình thức thi vấn đáp dễ tạo ra kẻ hở để người “cầm cân nảy mực” có thể “ưu tiên” cho một số thí sinh nào đó mà họ thiên vị.

Mặt khác, với hình thức thi vấn đáp, Ban giám khảo khó tránh được sự chủ quan trong cách nhận xét, đánh giá câu trả lời của thí sinh. Và trong trường hợp thí sinh xin phúc khảo bài thi thì sao, Hội đồng khảo thí có ghi âm lại toàn bộ “cuộc vấn đáp” giữa giám khảo và từng thí sinh hay không? Điều này đã làm cho nhiều thí sinh dự tuyển đang rất lo lắng, bất an trước kỳ thi sắp diễn ra trong ít ngày tới.

Tất nhiên, không có hình thức thi tuyển nào là tối ưu nhất, nhưng có thể nói, hình thức thi vấn đáp trong tuyển viên chức là rất bất cập, không ổn bằng hình thức thi trắc nghiệm.

Còn nhớ trong đợt tuyển viên chức năm 2005, Quảng Nam đã từng tổ chức thi tuyển thành công bằng hình thức thi trắc nghiệm.

Vì tính khoa học, khách quan, công bằng của các thí sinh, rất mong lãnh đạo tỉnh UBND tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT, Hội đồng tuyển dụng viên chức của tỉnh cần rà soát, cân nhắc, chỉnh sửa thể lệ thi tuyển viên chức cho hợp lí hơn, tránh những điều bất cập như đã phân tích trên. 

Mong sao việc tổ chức xét tuyển viên chức của tỉnh Quảng Nam lần này “đảm bảo được tính công khai, khách quan, dân chủ, cạnh tranh và đúng quy định của pháp luật” như yêu cầu mà Sở GD&ĐT Quảng Nam đã đặt ra từ đầu trong kế hoạch tuyển dụng viên chức lần này.

Trả lời của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam

Trao đổi qua điện thoại với ông Hà Thanh Quốc- Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam, ông khẳng định: UBND tỉnh đã tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn về xét tuyển và thi tuyển viên chức giáo viên sắp tới. Ông đã nói chuyện, giải thích với nhiều thí sinh các vấn đề này, đa phần các thí sinh cũng đã hiểu.

Thứ hai, về vấn đề xét ưu tiên, ông Quốc cho rằng, làm theo Thông tư, chỉ đạo từ cấp trên, chứ Sở Giáo dục và Đào tạo không tự đưa ra các vấn đề về ưu tiên.
Về minh bạch, khách quan trong thông tin, ông cho rằng, UBND tỉnh đã tính toán các phương án cụ thể, lắp đặt camera quan sát tại mỗi phòng thi theo dõi cụ thể.
Ông Quốc cho rằng, đã làm tất cả các thủ tục theo đúng pháp luật và chỉ đạo từ cấp trên. Cả vấn đề về tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các giáo viên dự thi- xét tuyển.                                          M.T
THẠCH KIỀU ​
TIN LIÊN QUAN

Thái Bình: Cả làng đỏ lửa nướng cá ngày đêm vẫn không đủ hàng bán Tết

Nguyễn Thúy |

Cận kề Tết Nguyên đán, làng nướng cá nổi tiếng ở Thái Xuyên (Thái Bình) luôn tất bật với các lò than đỏ hồng, hoạt động hết công suất để cho ra những mẻ cá nướng vàng óng, săn chắc, thơm nức phục vụ khách hàng dịp cuối năm.

Quả bóng vàng 2022: Tiến Linh sáng cửa

Thanh Vũ |

Nhìn vào phong độ hiện tại, có thể thấy tiền đạo Nguyễn Tiến Linh xứng đáng giành quả bóng vàng 2022.

Kênh đầu tư nào sẽ được hưởng lợi trong năm 2023?

Thái Mạnh |

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, thì một số kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ được hưởng lợi nhờ định giá hấp dẫn và các chính sách được thúc đẩy trong năm nay.

Xe ôm, bốc vác "chuyển nghề" chở thuê đào, quất những ngày cận Tết

Trần Tuấn - Nguyễn Kế |

Bắc Giang - Thay vì làm nhưng công việc như xe ôm, bốc vác, nhiều lao động tự do ở TP.Bắc Giang chuyển sang làm nghề chở thuê đào, quất những ngày cận Tết, thu nhập khoảng 1 triệu đồng/ngày.

Gỡ khó các quy định tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội

B. Chương |

Kế hoạch triển khai 1 triệu nhà ở xã hội đang gặp khó khăn vì nhiều quy định không phù hợp với chủ trương xã hội hóa đầu tư để phát triển nhà ở xã hội, hoặc chưa đảm bảo tính khả thi, chưa phù hợp với tình hình thực tiễn.

NSƯT Chí Trung: “20 năm Táo Quân là quãng thời gian tươi đẹp của tôi”

Hiền Hương (thực hiện) |

NSƯT Chí Trung tiếp tục đảm nhận vai Táo Giao thông ở Táo Quân 2023. Anh chia sẻ với Lao Động hành trình 20 năm đã có ở Táo Quân và 6 tháng trải nghiệm cuộc sống về hưu sau khi nhận quyết định nghỉ chế độ từ tháng 6.2022.

Chứng khoán: Thị trường giữ trạng thái đi ngang trong ngắn hạn

Gia Miêu |

Xu hướng đi ngang ngắn hạn của thị trường chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục được duy trì và chỉ số sẽ chuyển trạng thái vào sau kỳ nghỉ lễ.

Dự báo thời tiết đêm giao thừa Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

AN AN - MINH HÀ |

Cơ quan khí tượng nhận định ít có khả năng xuất hiện thời tiết cực đoan trong đêm giao thừa Tết Nguyên đán 2023.