Theo dự kiến, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Trong phiên thảo luận ở hội trường ngày 27.10.2023, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với các nội dung của dự thảo luật được tiếp thu, chỉnh lý và cho rằng, dự thảo luật được ban hành sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Tại phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cơ bản tán thành, nhất trí cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và kết luận dự thảo luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội biểu quyết thông qua.
Về một số ý kiến của các đại biểu về đề nghị quy định quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở và quy định độ tuổi tối đa khi tham gia lực lượng này trong dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Bộ Công an đã phối hợp với Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (QPAN)của Quốc hội nghiên cứu, bổ sung, chỉnh lý.
Cụ thể tại Điều 13, khoản 3 Điều 15 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý để quy định rõ tiêu chuẩn, điều kiện tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là từ đủ 18 tuổi đến đủ 70 tuổi, trường hợp quá 70 tuổi có đủ sức khỏe thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Công an cấp xã; chỉnh lý quy định trình độ văn hoá là có bằng tốt nghiệp hoặc đã hoàn thành chương trình giáo dục trung học cơ sở trở lên.
Đối với khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì có thể tuyển chọn người đã học xong chương trình giáo dục tiểu học; ưu tiên không tính thời hạn tạm trú khi tuyển chọn đối với công dân đã có thời gian phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an xã bán chuyên trách kết thúc nhiệm vụ, công dân am hiểu về phong tục, tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, người đã từng tham gia trong lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Chuyển khoản 2 Điều 13 sang quy định thành khoản 3 Điều 15 và bổ sung đối tượng ưu tiên là Công an xã bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ.
Về ý kiến đề nghị quy định tiêu chuẩn là “không có tiền án, tiền sự”, Thường trực Uỷ ban QPAN thấy rằng, nếu quy định tiêu chuẩn “không có tiền án, tiền sự” sẽ không được chính xác và không bảo đảm công bằng đối với “Trường hợp đã chấp hành xong bản án, quyết định của Tòa án thì phải được xóa án tích; đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải hết thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của pháp luật”.
Dự thảo Luật quy định trường hợp nêu trên vẫn được tham gia lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở là hợp lý.