Thưởng Tết
Theo quy định thì doanh nghiệp chỉ phải thưởng tết khi doanh nghiệp và NLĐ có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hay theo quy chế nội bộ doanh nghiệp về thưởng Tết, thỏa ước lao động tập thể.
Việc thưởng tết sẽ phụ thuộc phần lớn vào doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp và năng suất, hiệu quả công việc của NLĐ.
Nếu NLĐ đạt hiệu quả công việc theo thỏa thuận, doanh nghiệp có doanh thu theo kế hoạch trong quy chế nội bộ thì sẽ được thưởng tết.
Ngoài ra, trường hợp doanh nghiệp công khai hứa sẽ thưởng tết cho NLĐ thì cũng buộc phải thưởng theo quy định tại Điều 570 Bộ luật Dân sự 2015.
Lương tháng 13
Tại Công văn 560/LĐTBXH-BHXH ngày 06.02.2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xác định “lương tháng 13” là tiền thưởng.
Trên thực tế thì tại các đơn vị người sử dụng lao động khác nhau sẽ xảy ra các trường hợp khác nhau:
Có đơn vị NLĐ nhận được đồng thời các khoản mang tên: “lương tháng 13” và một khoản khác mang tên “thưởng Tết”.
Có đơn vị NLĐ cuối năm chỉ được nhận lương tháng 13 hoặc thưởng tết.
Có đơn vị NLĐ cuối năm không được nhận khoản nào.
Như vậy, vì luật không quy định khái niệm cụ thể, nên “lương tháng 13” hay “thưởng tết” cũng chỉ là tên gọi do mọi người tự đặt.
Trong trường hợp đơn vị đồng thời các khoản mang tên: “lương tháng 13” và một khoản khác mang tên “thưởng Tết” thì NLĐ sẽ được nhận cả 2 khoản này.
Quà từ công đoàn
Nhằm chăm lo cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết Nguyên Đán 2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch 146/KH-TLĐ về chăm lo thăm hỏi NLĐ. Theo đó, với 2 nhóm đối tượng sau sẽ nhận được mức chăm lo thăm hỏi là 300.000 đồng/người:
Người lao động có đóng BHXH tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn
Cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn.
Tổng số nguồn kinh phí dự kiến: 8.000.000 (người) x 300.000 đồng/người = 2.400.000.000.000 đồng (hai nghìn bốn trăm tỉ đồng).