Là người dân sinh sống lâu năm trên phố Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), ông Trần Đức Long (51 tuổi) thường xuyên phải đóng kín cửa nhà bởi mùi hôi thối bốc lên từ con sông ô nhiễm bên cạnh.
“Từ ngày dòng sông ô nhiễm nặng, bốc mùi, tôi không dám đi dạo quanh khu vực này nữa. Mỗi hôm trời trở gió, mùi hôi từ con sông xộc thẳng vào nhà, khiến tôi phải đóng kín cả cửa chính và cửa sổ” - ông Long ngao ngán.
Ông Long cho hay, sông Kim Ngưu phải tiếp nhận nhiều nguồn nước thải, rác thải khiến cho dòng sông ngày càng ô nhiễm, nước đục quanh năm. "Đây là dòng sông chảy qua nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội nên tôi mong rằng, tình trạng ô nhiễm sẽ được cải thiện để người dân sinh sống được thoải mái" - ông Long chia sẻ.
Mỗi lần đi bộ ngang qua sông Sét, anh Lưu Quyết Thắng (26 tuổi, Hoàng Mai) lại phải đeo khẩu trang kín mít, đi thật nhanh bởi mùi xú uế bốc lên từ dòng sông. “Tôi đi bộ qua đây thấy sông Sét bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, màu nước đen ngòm, bốc mùi” - anh Thắng nói.
Anh Thắng mong rằng, dòng sông sẽ sớm được “hồi sinh” để người dân di chuyển qua khu vực này được thoải mái, dễ chịu hơn.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động ngày 4.5, nhiều con sông chảy qua địa bàn Hà Nội rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Khu vực sông Nhuệ chảy qua địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội) rơi vào tình trạng ô nhiễm lâu năm. Nhiều loại rác thải được người dân tập kết bừa bãi ven sông, lâu ngày rơi xuống lòng sông gây ô nhiễm.
Dọc sông Kim Ngưu kéo dài 7,7km, nước sông luôn trong tình trạng đen ngòm, bốc mùi xú uế. Điều này ảnh hưởng xấu tới người dân sinh sống hai bên bờ sông.
Trên sông tồn tại nhiều cống xả nước thải chưa qua xử lý khiến con sông ngày càng ô nhiễm nặng nề.
Tình trạng ô nhiễm tương tự diễn ra tại khu vực sông Sét chảy qua địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội). Nước sông nơi đây luôn trong tình trạng đen ngòm, rác thải bủa vây.
Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng nêu thực tế, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất chậm được khắc phục. Đặc biệt, chất lượng nước sông Đáy, Nhuệ vẫn không có dấu hiệu được cải thiện, luôn duy trì ở mức kém hoặc rất kém. "Tại các sông nội thành như: Tô Lịch, Kim Ngưu, Sét, Lừ, kết quả quan trắc phản ánh tình trạng bị ô nhiễm nặng", quy hoạch nêu.
Trước tình trạng trên, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được TP Hà Nội đặt ra là giải quyết triệt để ô nhiễm sông Tô Lịch. Thành phố cũng đặt mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy, sông Lừ, sông Sét để bảo đảm nguồn nước tưới an toàn cho nông nghiệp, tạo không gian xanh cho phát triển đô thị.
Theo đó, Hà Nội sẽ phân vùng xử lý nước thải theo khu vực với quy mô phù hợp, bảo đảm hiệu quả trong thu gom và công suất xử lý. Bảo đảm quy mô nhà máy xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu phát triển trên địa bàn Thủ đô, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, sông Tích góp phần làm sạch sông, hồ trong đô thị trung tâm.
Để thực hiện những mục tiêu trên, ngoài các giải pháp đang triển khai, nhiều chuyên gia đề xuất, TP Hà Nội xây dựng đập dâng trên hệ thống sông Hồng, sông Đuống để nâng mực nước các sông lên cao trình nhất định nhằm cải thiện khả năng lấy nước vào hệ thống thủy lợi, làm sống lại các dòng sông.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, khi nước sông Hồng dâng lên sẽ giúp sông Nhuệ, sông Đáy, thậm chí, sông Tô Lịch cũng có dòng chảy thường xuyên, khắc phục tình trạng suy kiệt nguồn nước, trả lại khả năng tự làm sạch chất gây ô nhiễm của các dòng sông.