Một trong những lực lượng có nhu cầu nghỉ hưu sớm là các giáo viên lớn tuổi, cận tuổi nghỉ hưu, sức khoẻ đã suy giảm. Thế nhưng nhiều người vẫn bám trụ vì quy định hiện hành được cho là đang gây thiệt thòi cho người muốn nghỉ hưu sớm.
Theo quy định hiện hành, nếu công chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi theo quy định tại Điều 55 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì mức lương hưu được tính như sau:
Được hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội (nghỉ hưu từ năm 2019 là 17 năm, 2020 là 18 năm, 2021 là 19 năm và từ 2022 trở đi là 20 năm); sau đó cứ mỗi năm được tính thêm 2%. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%.
Chính quy định “mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%” đang là vấn đề gây lo lắng hiện nay. Chẳng hạn một giáo viên 55 tuổi, có 35 năm đóng bảo hiểm thì lương hưu là 75% mức tiền lương bình quân đóng bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, vì nghỉ hưu trước 5 năm nên người này sẽ bị trừ 10% (mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi giảm đi 2%) nên mức lương hưu của chỉ còn 65% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Bạn đọc Hồ Trung cho rằng: “Theo tôi, ở lĩnh vực nghề giáo viên nên có chính sách vận động khuyến khích các giáo viên nam trên 50 tuổi nếu không đủ sức khỏe giảng dạy thì nên xin nghỉ hưu trước tuổi (như của nữ hiện nay) để nhường lại vị trí việc làm cho các giáo viên trẻ năng động, sáng tạo, hiệu quả giảng dạy sẽ cao hơn những giáo viên lớn tuổi chậm chạp vì sức khỏe yếu”.
Bạn đọc Minh Đằng chia sẻ: “Tôi là giáo viên hiện nay 57 tuổi, mức lương nhận mỗi tháng là 11 triệu, cũng muốn nghỉ hưu lắm rồi nhưng nếu bây giờ nghỉ thì mất 8%, tiếc quá nên đành cố”.
Hiến kế tới các nhà quản lý, bạn đọc Nguyễn Đình Hành cho rằng: “Mong rằng Chính phủ sẽ cải cách chính sách hưu theo hướng thực sự khuyến khích công chức viên chức nghỉ hưu sớm, không còn tình trạng cố bám đến đến ngày về hưu. Theo tôi, nếu người lớn tuổi cứ bám theo để chờ đến tuổi hưu (vì nghỉ trước thiệt thòi chế độ) thì sẽ không có chỗ cho lớp trẻ. Hiện nay, quy định tuổi nghỉ hưu trước tuổi còn cao. Thiết nghĩ Chính phủ nên giảm độ tuổi được nghỉ hưu sớm và có chế độ khuyến khích công chức, viên chức nghỉ sớm (chẳng hạn trên 50 tuổi là có thể được khuyến khích nghỉ hưu và không trừ % bảo hiểm do nghỉ trước tuổi).
Ở rất nhiều ngành, khi tuổi cao thì năng suất làm việc không đáp ứng được vì sức khỏe, tuổi tác, thiếu nhạy bén với công việc mới. Nếu có chính sách hưu hợp lý là thu lại được rất nghiều lợi ích (giải quyết việc làm cho lớp trẻ, nâng cao chất lượng công việc, nâng cao chất lượng cuộc sống người lao động, cải thiện quyền lợi của người lao động có đóng BHXH...).
Nếu vì lý do ngân sách, hoặc nguồn quỹ BHXH không đảm bảo... hay một lý do nào khác mà không ban hành quy định mới thì nhất định sẽ làm trì trệ sự phát triển của nhiều ngành nghề, ảnh hướng đến sự phát triển chung của đất nước. Hy vọng lần này, Chính phủ chỉ đạo ban hành chính sách hợp lý để khuyến khích người LĐ nghỉ hưu, trẻ hóa đội ngũ cán bộ viên chức. Sử dụng lao động già, bỏ phí lực lượng lao động trẻ năng động, sáng tạo là rất lãng phí nguồn lực”.
Đồng quan điểm, bạn Trần Ngọc Toan, Nguyễn Anh Tuấn cùng đề nghị: “Công chức, viên chức có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm trở lên, nếu có nguyện vọng thì cho nghỉ hưu mặt dù chưa đủ tuổi, không trừ % lương hưu do nghỉ trước tuổi”.
Trong khi đó, bạn Đặng Thị Tình lo lắng: “Khuyến khích người lao động cao tuổi nghỉ hưu sớm mà người lao động bị thiệt thì khó thực hiện được. Người lao động trong độ tuổi nghỉ hưu sớm nếu ở lại mà chính sách lương mới thua thiệt so với người lao động trẻ hoặc lương mới thấp hơn so với mức lương cũ thì sinh ra bất ổn xã hội”.
Liên quan đến chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm, bạn đọc Nguyễn Thị Bắc đưa ra quan điểm: “Theo tôi, đủ năm đóng BHXH thì nên cho về hưu. Tăng tuổi hưu chỉ lợi cho ngành BHXH trong khi người lao động chẳng được gì làm và không năng suất, nên nhường cho lớp trẻ có chỗ làm. Còn công chức cũng áp dụng chung là người lao động chứ không nên ưu tiên. Họ được nhận tiền mà không trừ % thì thật vô lý, đề nghị phải công bằng”.
Tương tự, bạn Nguyễn Hữu đưa ra đề xuất: “Tôi cho rằng mọi chính sách cần công bằng cho mọi đối tượng đóng BHXH. Công chức nhà nước khi không đủ độ tuổi cơ cấu, người thuộc đối tượng tinh giảm hay công nhân viên chức trong doanh nghiệp nhà nước cần tinh giảm xét lợi ích xã hội thì như nhau, khi chấm dứt hợp đồng lao động hay biên chế thì mức thiệt hại cá nhân như nhau, nên cần có chính sách hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi. Việc không trừ % hưởng BHXH cho đối tượng này và không áp dụng cho đối tượng khác là không công bằng”.
Mời bạn đọc chia sẻ ý kiến của mình trong phần bình luận. Những bình luận phù hợp sẽ được đăng tải sớm nhất.