Ngày 21.11, tại Hội thảo Giáo dục Việt Nam năm 2021 (VEC 2021) với chủ đề "Văn hoá học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo", GS Trần Ngọc Thêm có tham luận gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Trong đó, GS Trần Ngọc Thêm đề nghị bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” và không sử dụng khái niệm biểu đạt “trồng người”.
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng giáo dục hiện đại cần thay đổi triết lý giáo dục, hướng đến đào tạo con người chủ động, sáng tạo, rèn luyện tư duy phản biện.
Nhiều chuyên gia, nhà giáo đã phân tích về phương châm giáo dục “Tiên học lễ, hậu học văn” không mâu thuẫn với mục tiêu giáo dục con người chủ động, sáng tạo, phát triển. Tương tự, cách biểu đạt và quan niệm “trồng người” cũng không hề mâu thuẫn với triết lý giáo dục dân chủ, khai phóng.
“Trồng người” là một cách nói hình ảnh. Lấy từ thực tế người nông dân muốn có vườn cây xanh tốt cho hoa thơm quả ngọt và gỗ quý thì phải ươm trồng từ hạt, mầm, chăm bẵm, bảo vệ cây non cho đến khi cây trưởng thành.
Từ non nớt, yếu ớt đến cứng cáp là quy luật phát triển của con người và muôn loài. Không có ai sinh ra đã trưởng thành và chín chắn như Thánh Gióng, mà tất cả đều phải trải qua quá trình trưởng thành từ thấp đến cao.
Cách diễn đạt “trồng người” dựa trên quy luật này. Để có thế hệ tương lai phát triển lành mạnh và toàn diện, bắt buộc phải trải qua quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, bồi dưỡng về tinh thần, thể chất, trí tuệ, để khi con người đến tuổi trưởng thành thì đã được trang bị các phẩm chất và kĩ năng cần thiết để bước vào sinh sống tự lập.
Cây không được trồng bài bản, thì sẽ còi cọc, sâu bệnh, chết yểu, phát triển tùy tiện; người không được giáo dục đàng hoàng thì hư hỏng, xấu xa.
Và đến lượt mình, các thế hệ này có trách nhiệm và nghĩa vụ “trồng người” cho các thế hệ tiếp theo.
“Trồng người” không phải là giáo dục thụ động, một chiều, không chỉ có chăm sóc và bảo vệ, mà là nhà giáo dục lựa chọn những biện pháp, tác động thích hợp, bao gồm cả thử thách, rèn luyện trên cơ sở các quy luật của phát triển, để có một thế hệ tương lai phát triển hoàn thiện về thể chất, nhân cách và trí tuệ, để các em vững vàng bước vào đời.
Ví dụ, một thầy giáo giỏi là người biết tổ chức các biện pháp dạy học sáng tạo, chủ động, để phát huy tối đa năng lực, năng khiếu, sở trường cả học sinh, khơi dậy ở các em niềm đam mê học tập, tự chủ và ý thức vươn lên.
Mỗi người làm giáo dục, đều thấy được sứ mệnh vẻ vang và thử thách gay gắt trong sự nghiệp “trồng người”, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển quốc tế.
Không phải ngẫu nhiên mà các thế hệ nhà giáo Việt Nam xưa nay được tôn vinh và tự hào về sự nghiệp “trồng người” cao quý.