Dư luận đặc biệt quan tâm việc Thủ tướng chỉ đạo rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định liên quan đến chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, bất cập.
Thời gian vừa qua, báo chí đã phản ánh nhiều vấn đề bất cập xung quanh quy định tiêu chuẩn, điều kiện chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên từ 4 Thông tư do Bộ GDĐT vừa ban hành, có hiệu lực từ ngày 20.3.
Các bất cập đó bao gồm: quy định giáo viên muốn thăng hạng, giữ hạng phải có chứng chỉ CDNN tương ứng (3 chứng chỉ) là không cần thiết, lãng phí, không góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục. Chương trình bồi dưỡng chứng chỉ nặng về lý thuyết, ôm đồm, xa rời thực tế. Việc tổ chức học, thi chứng chỉ mang tính đối phó, hình thức; do giáo viên đã được trang bị các kĩ năng cần thiết từ trường sư phạm.
Bất cập thứ 2 là các yêu cầu về bằng cấp quá cao so với khả năng, thực tế (yêu cầu giáo viên hạng I phổ thông phải có bằng thạc sĩ trở lên), vô hình trung sẽ tạo ra cuộc đua bằng cấp rất mệt mỏi, tốn kém, không thực chất.
Bất cập thứ 3 là việc phân chia giáo viên thành 3 hạng (III-II-I) không phù hợp với các vị trí việc làm trong nhà trường, các nhiệm vụ của giáo viên hạng I không thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà trường, mà là của cơ quan quản lý giáo dục cấp trên. Thời gian “trụ hạng” quá lâu (phải đủ 15 năm mới lên hạng I, 9 năm mới lên được hạng II), không khuyến khích được sự nỗ lực, đột phá. Việc sử dụng thuật ngữ phân hạng giáo viên ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Mặt khác, việc “phân cấp” về đạo đức nghề nghiệp tương ứng với sự phân hạng CDNN giáo viên là bất cập, không phù hợp với quy định của pháp luật.
Từ những bất cập nói trên, nhà giáo Lê Văn Vỵ- nguyên Giám đốc TTGDTX huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đề xuất: Bộ GDĐT cần xem xét kiến nghị bãi bỏ yêu cầu chứng chỉ CDNN đối với giáo viên, thay vào đó là các tiêu chí, yêu cầu về trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm và thành tích, hiệu quả công tác để đánh giá giáo viên.
Thứ hai, xem xét bãi bỏ, sửa đổi việc phân hạng giáo viên thành 3 hạng, tham khảo phương pháp đánh giá, phân loại giáo viên theo hướng đánh giá, xếp loại hàng năm, dựa trên kết quả công tác, có tham khảo ý kiến học sinh, phụ huynh.
Về bằng cấp, chỉ cần yêu cầu giáo viên đạt trình độ chuẩn đào tạo. Việc giáo viên có bằng cấp cao hơn chỉ nên khuyến khích, chứ không đưa vào tiêu chí đánh giá thứ hạng giáo viên. Tăng cường chương trình, kế hoạch bồi dưỡng thường xuyên, tự bồi dưỡng của nhà giáo.
Thay đổi phương pháp phân hạng giáo viên bằng cơ chế khuyến khích giáo viên nâng cao hiệu quả, kết quả, thành tích công tác thường xuyên, trả lương theo thâm niên kết hợp thành tích, kết quả công tác hàng năm.
Nhà giáo Lê Văn Vỵ cũng kiến nghị bãi bỏ các cuộc thi giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi vì tạo áp lực lớn cho nhà giáo, mang tính hình thức và tiềm ẩn nhiều vấn đề tiêu cực.
“Giáo dục cần thay đổi bắt đầu từ quan niệm đi vào thực chất, chú trọng chất lượng, coi học sinh là trung tâm của môi trường giáo dục. Việc phân hạng giáo viên và đề ra các tiêu chí về bằng cấp, chứng chỉ, thành tích hội thi, khen thưởng...vẫn theo tư duy cũ, coi ông thầy là trung tâm của môi trường giáo dục” – nhà giáo Lê Văn Vỵ nói.
Ý KIẾN CỦA BẠN ĐỌC (7)