Việc hoàn thành chỉ tiêu được giao được xem là cơ sở quan trọng nhất để đánh giá năng lực của từng cá nhân người lao động, cán bộ quản lý của doanh nghiệp đó.
Đặc biệt đây là cơ sở chủ yếu để người lao động được nhận lương, khen thưởng từ doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp có quy định người lao động sẽ không nhận được đủ lương, không có thưởng cuối năm nếu không đạt chỉ tiêu được giao.
Ngược lại nếu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu thì người lao động được thưởng lớn, gấp nhiều lần lương được nhận hàng tháng, thậm chí những người giỏi nhất còn được tặng các món quà có giá trị đặt biệt lớn như nhà, xe ôtô...
Hiện nay, một số cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước như bảo hiểm xã hội, bưu chính viễn thông, ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước... đang tiên phong trong việc giao chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ đến từng cán bộ, nhân viên.
Chẳng hạn như cơ quan Bảo hiểm xã hội giao chỉ tiêu vận động được bao nhiêu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; cài đặt được bao nhiêu ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID)...
Việc hoàn thành chỉ tiêu được giao là căn cứ quan trọng, cơ bản để đánh giá năng lực, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị này.
Tương tự một số cơ quan, địa phương như TP.HCM đang áp dụng mức thưởng thu nhập tăng thêm dựa trên mức xếp loại hoàn thành nhiệm vụ, tuy vậy tiêu chí để xếp loại cán bộ, công chức vẫn chưa rõ ràng, cụ thể...
Có thể khẳng định việc giao chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ, nhân viên trong các cơ quan, đơn vị sẽ tạo ra động lực, sự cạnh tranh công bằng, thực chất trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trên kết quả công việc, thực hiện chỉ tiêu được giao sẽ khắc phục được tình trạng trì trệ, chây ỳ, lười biếng hoặc đùn đẩy công việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Ngoài ra, việc đánh giá cán bộ, nhân viên trên cơ sở hoàn thành chỉ tiêu được giao sẽ giúp tìm kiếm, lựa chọn được những người thực sự có năng lực, thực tài để giao trọng trách trong các cơ quan nhà nước.
Đồng thời, hạn chế tình trạng 'chạy việc', tiêu cực trong công tác tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; là căn cứ để loại bỏ những cán bộ, công chức yếu kém, thiếu trách nhiệm, lười biếng ra khỏi các cơ quan nhà nước.
Vì vậy, cơ quan thẩm quyền cần sớm ban hành quy định nhằm lượng hóa, cụ thể, chi tiết các nội dung công việc, chỉ tiêu trong các cơ quan nhà nước.
Từ đó, giao chỉ tiêu, nội dung công việc cụ thể đến từng cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch công tác đề ra. Trên cơ sở kết quả thực hiện chỉ tiêu được giao sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức một cách khách quan, chính xác.
Điều này hạn chế tình trạng đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức trong một số cơ quan nhà nước còn hình thức, cào bằng hoặc chưa sát, chưa đúng thực tế, cảm tính, vì không có tiêu chí, chỉ tiêu rõ ràng cụ thể. Mặt khác, đây còn là biện pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.