Theo quy định hiện nay, mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Trong khi đó, khi thực hiện cải cách tiền lương, mức lương và các khoản phụ cấp sẽ thay đổi và sẽ có ảnh hưởng đến mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp mức lương và các khoản phụ cấp được tăng lên, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cũng sẽ tăng theo.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công), tại Khoản 3.1 Tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 có đề cập như sau:
Nội dung cải cách
3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)
...
b) Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng,
Đối với người lao động trong doanh nghiệp, tại Khoản 3.2 Tiểu mục 3 Mục II Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 nêu rõ như sau:
Nội dung cải cách
...
3.2. Đối với người lao động trong doanh nghiệp
...
b) Về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập
- Các doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước) được tự quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu do Nhà nước công bố và trên cơ sở thoả ước lao động tập thể phù hợp với tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, khả năng của doanh nghiệp và công khai tại nơi làm việc.
Như vậy, về cơ bản, việc cải cách tiền lương sẽ không làm giảm lương. Cụ thể, lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong khu vực công sau cải cách sẽ đảm bảo không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Đối với người lao động trong doanh nghiệp, mức lương sẽ do từng doanh nghiệp tự quyết định, tuy nhiên cũng đảm bảo không thấp hơn mức lương tối thiểu.
Như vậy, tùy theo mức thay đổi của tiền lương mà mức đóng bảo hiểm xã hội sẽ thay đổi theo.