Móc túi người tiêu dùng thời thực phẩm bẩn

Việt Hà |

Nỗi lo bệnh tật từ thực phẩm bẩn đã thay đổi xu thế tiêu dùng của xã hội, có cung ắt có cầu, song song với việc chuyển đổi sản xuất, chế biến thực phẩm theo hướng sạch hơn, thì cũng tồn tại phổ biến việc lạm dụng tâm lý tiêu dùng thời thực phẩm bẩn để kiếm lời.

Nhập nhằng máy đo an toàn thực phẩm           

Phần lớn người tiêu dùng là các bà nội trợ không có kiến thức cơ bản về những tiêu chí xác định thực phẩm có an toàn hay không. Bởi vậy, loại máy đo lường dư lượng nitrat hiệu Soeks nhập từ Nga hai năm trở lại đây được các nhà phân phối đánh tráo tên gọi thành máy đo an toàn thực phẩm và được các bà nội trợ rất tin dùng. 

Khi hàng loạt những vụ thực phẩm bẩn bị phanh phui, kể cả thực phẩm có nguồn gốc, giấy tờ chứng chỉ như Gap (Thực hành nông nghiệp tốt), hay Rat (Rau an toàn) thì người tiêu dùng không còn nhiều niềm tin vào nhà sản xuất. Giữa lúc hoang mang đó, chiếc máy nhỏ được đồn thổi là có thể phát hiện được “đồ bẩn” là thứ duy nhất họ có thể bấu víu. 

Thực chất, hai dòng máy Soeks thông dụng được nhập khẩu chỉ đo được nitrat, và việc đo nitrat cũng chỉ là 1 trong 4 tiêu chí xác định thực phẩm có an toàn hay không, bên cạnh tiêu chí về dư lượng thuốc trừ sâu, kim loại nặng và vi sinh vật. Máy được tích hợp tiếng Việt, dễ sử dụng, dù giá bán khá cao so với mặt bằng tiêu dùng, từ 4,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng nhưng vẫn được rất nhiều người mua.  

Người này chuyền tai người khác, trở thành một trào lưu, vô tình thổi phồng công năng sử dụng của máy đo nitrat thành thiết bị “thần thánh”. Nhiều bà nội trợ do thiếu hiểu biết đã vận dụng chiếc máy này rất linh hoạt, cắm vào bất cứ cái gì có thể. 

Một chuyện gia nọ phải bật cười với trường hợp đòi cắm vào con cá chép đang bơi ở hàng cá, trong khi cá nước ngọt nếu cần kiểm tra tiêu chuẩn thì cũng chỉ kiểm tra dư lượng kim loại nặng, không có lý gì lại phải đo nitrat. Cứ như vậy, hàng triệu chiếc máy bán ra với lợi nhuận vô cùng khủng, còn người tiêu dùng thì mất tiền mà vẫn đối mặt với những nguy cơ ăn bẩn oan…           

 

Những lời quảng cáo thường gặp trên mạng xã hội. ảnh Việt Hà 

Đắt như rau sạch           

Câu “đắt như tôm tươi” có lẽ đã hết thời, mặt hàng rau sạch giờ đây trở thành thứ được săn lùng và trở nên đắt đỏ hơn cả. 

Mặc dù hệ thống giám sát đảm bảo chất lượng hữu cơ ở Việt Nam chỉ mới cấp chứng nhận hữu cơ cho một vài nhóm sản xuất mang tính thí điểm, chưa có nhiều sản phẩm bán ra thị trường, nhưng rau hữu cơ tự phong lại được bán tràn lan, và dĩ nhiên với giá cao, gấp nhiều lần các loại rau sạch tiêu chuẩn khác như Viet Gap hay Rat. 

Rau Viet Gap và Rat cũng không kém cạnh, là nguồn cung chủ yếu trong các siêu thị và hệ thống cửa hàng tự chọn, do vậy giá rau cũng thường bị đội lên do các chi phí phát sinh.

Nhiều người tiêu dùng kỹ tính không tin tưởng vào rau được cấp chứng nhận, chủ động tìm đến tận nguồn cung để đặt hàng rau sạch và thường xuyên giám sát để nhà nông có thể đảm bảo chất lượng. 

Đón bắt nhu cầu đó, nhiều người chuyển hướng kinh doanh rau sạch gắn mác “rau vườn nhà”, “rau của mẹ”, “rau ông bà”, “rau nhà trồng ăn dư mới bán”… Kiểu rau vườn nhà này không ai kiểm định, mua bán dựa vào sự tin tưởng lẫn nhau, và giá thì cũng trên trời, thậm chí còn đắt hơn rau được chứng nhận hữu cơ. 

Bởi vậy, nghề bán rau nhà trồng được rất thu hút những chị em công sở hoặc bà nội trợ, họ thu mua lại rau của người quen trồng ở quê hoặc của gia đình để bán lại cho người quen, đồng nghiệp, với lợi nhuận không nhỏ, nhiều người thậm chí bỏ việc để chuyên kinh doanh mặt hàng này. 

Vẫn biết quy trình canh tác rau sạch đòi hỏi nhiều công sức hơn rau phụ thuộc vào hóa chất, song không phải vì thế mà người tiêu dùng phải mua với giá cắt cổ, chẳng có lẽ rau sạch là xa xỉ phẩm chỉ dành cho người giàu…          


 

Giới thiệu thực phẩm sạch.   ảnh Việt Hà

Chữ “sạch” bị lạm dụng           

Trong một buổi tọa đàm giới thiệu về canh tác hữu cơ gần đây do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM tổ chức, không ít nông dân đến tham dự vỡ lẽ rằng chính họ không phân biệt được các tiêu chuẩn hữu cơ, Viet Gap… Thậm chí, có người còn đề nghị chuyên gia hữu cơ hãy bỏ bớt các quy định khắt khe để không làm khó nông dân. 

Khi được chuyên gia giải thích, họ mới biết “sạch” kiểu hữu cơ khác với “sạch” kiểu Viet Gap, và sản phẩm của họ bấy lâu nay hóa ra không “sạch” như họ tưởng. 

Trường hợp trên là một thực tế phổ biến, người làm sản xuất, chế biến, người phân phối, và cả người tiêu dùng đều mù mờ hết sức về chữ “sạch”. 


 

Thực phẩm gắn mác sạch luôn có giá cao.   ảnh Việt Hà

Rất khó để người tiêu dùng có thể truy ra nguồn gốc của thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm qua chế biến, bởi chính người sản xuất, chế biến và phân phối ngày càng lạm dụng chữ “sạch” để đánh vào tâm lý sợ thực phẩm bẩn của đa số mọi người. 

Một người làm giá sạch với tiêu chí không hóa chất, nhưng mặt hàng của chị không lọt qua vòng kiểm định của một phiên chợ thực phẩm sạch vì không chứng minh được đỗ làm giá là sạch. Một người làm giò chả sạch cũng rơi vào trường hợp tương tự vì không chứng minh được nguồn gốc sạch của thịt. 

Tuy nhiên, với người tiêu dùng thông thường, họ không có quá nhiều nỗi băn khoăn như vậy, và vẫn vô tư sử dụng thực phẩm sạch “tự phong”. Và nghiễm nhiên, hễ cứ gắn mác sạch là người bán tha hồ thổi giá thực phẩm. Người tiêu dùng như con tốt, bị xoay hết bên nọ sang bên kia trong thời thực phẩm bẩn. 

Việt Hà TP.HCM


 

Việt Hà
TIN LIÊN QUAN

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời Thủ đô về quê ăn Tết

PHẠM ĐÔNG - HỮU CHÁNH |

28 Tết, tại các bến xe lớn Hà Nội như Mỹ Đình, Nước Ngầm, Giáp Bát... bắt đầu nhộn nhịp, người dân khăn gói đồ đạc về quê nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Đầu tư chứng khoán dài hạn có hiệu quả hơn gửi tiết kiệm?

LÂM ANH |

VN-Index kết năm 2022 giảm gần 33% dẫn đến tỉ suất sinh lời của các nhà đầu tư trên kênh này bị kéo tụt đáng kể. Trong khi đó, cuộc đua tăng lãi suất tiền gửi đang ngày một nóng lên khiến kênh đầu tư chứng khoán đang ngày càng lép vế hơn trong cuộc đua hút dòng tiền.

Người dân lỉnh kỉnh hành lý về quê ăn Tết, có chặng xe về miền Tây hết vé

Chân Phúc |

Lượng khách tăng đột biến tại Bến xe Miền Tây (quận Bình Tân) trong sáng ngày 19.1. Một số chặng từ TPHCM đi các tỉnh miền Tây đã rơi vào tình trạng hết vé.

Người lao động Việt Nam ở nước ngoài: Luôn khắc khoải nỗi nhớ Tết quê nhà

Vương Trần |

Tết Nguyên đán Quý Mão đến nhưng ở nơi xa xứ, nhiều lao động Việt Nam vẫn đang ngược xuôi, mưu sinh với công việc. Xa quê, nơi xứ người, nhiều lao động không khỏi bồi hồi, nhớ hương vị Tết quê.

Interactive: Bạn có hiểu đúng về cách bày mâm ngũ quả 3 miền?

Nhóm PV |

Bày mâm ngũ quả ngày Tết là nét văn hóa lâu đời của người Việt Nam. Tùy theo vùng miền, mâm ngũ quả lại được bài trí với nhiều loại quả khác nhau. Vậy mâm ngũ quả mỗi miền gồm những quả gì và ý nghĩa của nó là gì, cách chưng ra sao? Tham gia chương trình truyền hình tương tác của Báo Lao Động bằng cách theo dõi câu hỏi, bấm vào phương án trả lời mà bạn cho là đúng ngay trên màn hình video tương tác dưới đây.

Những người lính canh giữ mùa xuân biển cả

Tạ Quang |

Kiên Giang - Trong những ngày Tết, khi người dân được vui vầy sum họp bên gia đình thì những cán bộ, chiến sĩ, tàu cảnh sát biển 9003, Hải đội 401-Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4, lại lên đường làm nhiệm vụ trực Tết trên biển, vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.

Người Việt chi hàng trăm triệu đồng nuôi mèo quý tộc

ANH HUY |

Mặc dù có giá lên tới hàng trăm triệu đồng song những con mèo quý tộc có nguồn gốc từ Châu Âu vẫn được giới sành chơi Việt săn đón, đặc biệt là trong năm Quý Mão 2023.

Bóng đá Việt Nam 2022: Vui, buồn lẫn lộn

TAM NGUYÊN |

Bóng đá Việt Nam năm 2022 nhiều tin vui nhưng cũng không ít chuyện buồn…