Việc tranh chấp do lấn chiếm đất xảy ra giữa 2 hộ dân ở thôn Hưng Dương, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Sự việc gây mệt mỏi cho cả người dân lẫn chính quyền.
Theo bà Nguyễn Thị Hiểu (77 tuổi, trú thôn Hưng Dương), gia đình bà có thửa đất diện tích 1032,7m2 bị gia đình bà Nguyễn Thị Hạnh lấn chiếm nên xảy ra mâu thuẫn.
Vào năm 2009, ban cán sự thôn Hưng Dương đã tiến hành lập biên bản và hòa giải, xác định ranh giới đất đai của 2 gia đình.

Thế nhưng, thời gian sau đó, bà Hạnh tiếp tục lấn chiếm vào đất của gia đình bà Hiểu. Do hai vợ chồng bị tai nạn giao thông, chồng tử vong, còn bà Hiểu bị thương nặng cụt một chân phải nằm viện lâu ngày. Vì đau buồn, bà Hiểu không còn quan tâm nhiều đến việc đất bị lấn chiếm.
Đến năm 2018, bà Hiểu đề nghị Chính quyền đo đạc lại để thực hiện cấp giấy CNQSDĐ cho gia đình. Lúc này cán bộ địa chính xã Cẩm Hưng cùng với Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Cẩm Xuyên đo đạc đất cho bà Hiểu đã xác định đất của bà bị hộ bà Hạnh lấn chiếm phía trước 0,85m, phía sau 1,27m dọc theo chiều dài hơn 31m với diện tích bị lấn chiếm hơn 32m2.
Trong khi phía gia đình bà Hạnh lại cho rằng gia đình bà không lấn chiếm mà sử dụng đúng phần diện tích đất của mình. Sau nhiều lần gõ cửa cơ quan công quyền để nghị giải quyết dứt điểm việc tranh chấp để được cấp giấy CNQSDĐ, nhưng đến nay, chính quyền vẫn chưa thể giải quyết.

“Họ chiếm đất của tôi, cán bộ địa chính về đo đạc đã xác định rõ. Thế nhưng, nhiều lần tôi kiến nghị lên mà xã vẫn chần chừ. Giờ tôi đã chịu thiệt cho họ phần họ lấn chiếm mà bà Hạnh cũng không chịu hợp tác ký để cho tôi làm bìa. Bản thân tôi cô đơn, lại cụt chân đi lại khó khăn nên rất mong được cấp trên sớm giải quyết dứt điểm" - Bà Hiểu bức xúc nói.
Qua sự việc, bà Hiểu cho rằng chính quyền thiếu quyết liệt dẫn đến quyền lợi của gia đình bà bị ảnh hưởng, đất chưa được cấp giấy CNQSDĐ nên muốn thế chấp vay mượn cho con cái làm ăn cũng không thể.

Ngày 3.1, ông Nguyễn Đình Hoạt - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hưng cho biết, việc tranh chấp đất giữa gia đình bà Hiểu và gia đình bà Hạnh đã diễn ra lâu nay, xã cũng đã tổ chức nhiều cuộc hòa giải nhưng không thành. “Thẩm quyền của xã thì cũng chỉ có hòa giải mà không được thì hai hộ dân đó có thể khởi kiện ra tòa để giải quyết thôi. Bởi đất đai của hai hộ dân này không có cơ sở pháp lý để xác định được phần tranh chấp” - ông Hoạt nói.
Về thông tin trích lục của cán bộ địa chính xác định bà Hạnh lấn chiếm đất của bà Hiểu phía trước 0,85m, phía sau 1,27m với diện tích hơn 32m2, ông Hoạt cho rằng việc đo đạc đó cũng chưa chính xác, vì khi đo đạc cũng mới chỉ dựa trên chỉ dẫn của một hộ dân.
Cũng theo ông Hoạt, hiện trên địa bàn còn xảy ra nhiều vụ tranh chấp ranh giới đất đai giữa các hộ dân nhưng rất khó khăn trong việc giải quyết, xã cũng rất mệt mỏi vì vấn đề này mà chưa thể tháo gỡ.