Mức trợ cấp xã hội hằng tháng của người khuyết tật được tính theo mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Do đó, việc tăng lương cơ sở không tác động đến mức trợ cấp hằng tháng của người khuyết tật.
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP quy định, mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để:
Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định đối với cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam…
Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật;
Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định, mức chuẩn trợ giúp xã hội là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội.
Hiện nay, mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng. Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng với hệ số tương ứng như sau:
Hệ số 2,0 đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
Hệ số 2,5 đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
Hệ số 1,5 đối với người khuyết tật nặng;
Hệ số 2,0 đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Tương đương với mức trợ cấp xã hội hằng tháng như sau:
720.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng;
900.000 đồng đối với trẻ em khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật đặc biệt nặng;
540.000 đồng/tháng đối với người khuyết tật nặng;
720.000 đồng/tháng đối với trẻ em khuyết tật nặng hoặc người cao tuổi là người khuyết tật nặng.
Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định mức trợ cấp cao hơn cho người khuyết tật tại địa phương mình.