Ngày 8.3, ông Lê Đình Huệ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng III cho hay, liên quan đến loạt bài viết “Gian dối cách ly, lợn nhập khẩu chạy thẳng về… lò mổ” đăng trên Báo Lao Động, đơn vị này đã kiểm điểm trách nhiệm ông Trần Mạnh Hải – kiểm dịch viên động vật Thú y vùng III. Ông Hải là kiểm dịch viên thực hiện nhiệm vụ tại khu cách ly lợn nhập khẩu của Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng (địa chỉ khu cách ly tại TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Vì sao chỉ kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Hải? – PV hỏi, ông Huệ nói rằng: "Đơn vị đã kiểm điểm trách nhiệm và báo cáo với Cục Thú y. Vì trong quá trình thực hiện kiểm dịch, anh em không cố ý (để xảy ra lỗi - PV), mà do doanh nghiệp dùng thủ đoạn” – ông Huệ, nói.
Thủ đoạn mà ông Huệ đề cập, liên quan đến thông tin trên Báo Lao Động đã đăng tải ở bài viết “Ai tiếp tay cho lợn nhập từ Thái Lan tuồn thẳng ra thị trường?”.
Cụ thể, vào tối 12.1, xe ôtô BKS 90C-052.41 chở 170 con lợn nhập khẩu của Công ty TNHH MTV LB Phú Trọng sau khi thông quan tại cửa khẩu ở tỉnh Quảng Trị được niêm phong bằng chì để đưa đến khu cách ly tại TP.Đồng Hới.
Tuy nhiên, chiếc xe này không vào khu cách ly, mà chạy thẳng đến chợ đầu mối ở tỉnh Hà Nam. Dù không ghé khu cách ly, nhưng trên đường đi, lái xe có đầy đủ giấy tờ khẳng định 170 con lợn đã hoàn thành cách ly, xét nghiệm theo quy định và được cấp giấy phép cho đi giết mổ.
Theo quy định, quy trình giám sát đối với xe chở lợn nhập khẩu rất nghiêm ngặt. Đơn cử, đối với lô hàng 170 con lợn nhập khẩu nói trên, sau khi được niêm phong kẹp chì ở cửa khẩu, xe phải chạy về khu cách ly. Tại đó, Kiểm dịch viên động vật Trần Mạnh Hải sẽ kiểm tra và giám sát hàng hóa theo Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn.
Quá trình kiểm tra, nếu các chì niêm phong còn nguyên, số lượng lợn đúng như trong giấy tờ liên quan, thì ông Hải sẽ phá chì để doanh nghiệp đưa lợn vào cách ly. Tiếp đó, ông Hải sẽ lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi trong thời gian không quá 5 ngày xem lợn có bệnh gì không. Sau thời gian cách ly, kết quả xét nghiệm lợn không có bệnh thì Thú y vùng III sẽ cấp giấy chứng nhận kiểm dịch.
Căn cứ theo giấy chứng nhận kiểm dịch của Thú y vùng III, bà Cao Thị Hải - kiểm dịch viên của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình sẽ có mặt ở khu cách ly, kiểm tra thực tế lô hàng rồi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh để đi giết mổ.
Giải thích cho việc xe chở 170 con lợn nhập khẩu không vào khu cách ly, thực hiện cách ly nhưng vẫn được cấp đầy đủ giấy kiểm dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình nói rằng, áp tải xe đã đổi biển số, bằng cách tháo biển số xe 90C-052.41 lắp vào 1 xe khác có lợn đã hoàn thành cách ly để lừa bà Hải.
Bà Hải “bị lừa” vì lái xe lắp biển số xe chưa kiểm dịch vào xe chở lợn đã qua kiểm dịch. Vậy ông Hải bị doanh nghiệp dùng “thủ đoạn” gì để qua mặt? Xe biển số 90C-052.41 cùng 170 con lợn theo thông báo của Thú y vùng III tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo ở Quảng Trị đi về khu cách ly, nhưng xe không vào khu cách ly thì ông Hải phá chì niêm phong xe thế nào, kiểm tra thực tế lô lợn nhập khẩu thế nào?
Trước đó, từ ngày 21.1.2021, Báo Lao Động đã khởi đăng loạt bài viết “Gian dối cách ly, lợn nhập khẩu chạy thẳng về… lò mổ”, thông tin việc các xe chở lợn nhập khẩu từ Thái Lan sau khi làm thủ tục tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) thay vì phải đưa về các khu cách ly kiểm dịch, thì lại chạy thẳng đến cơ sở giết mổ. Tìm hiểu cho thấy, Thú y tại tỉnh Quảng Bình và Thú y tại tỉnh Nghệ An đã cấp giấy cho phép đi giết mổ đối với 3 xe chở lợn nhập khẩu chưa qua cách ly phòng dịch.
Quá trình làm việc với phóng viên Báo Lao Động, ban đầu lãnh đạo Chi cục Thú y vùng III, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An đều khẳng định đã làm đúng quy định và kiểm soát chặt đối với lợn nhập khẩu từ Thái Lan. Trước những bằng chứng do phóng viênLao Động cung cấp, lãnh đạo thú y ở Nghệ An và Quảng Bình thừa nhận cán bộ thú y đã bị doanh nghiệp “lừa”; còn Thú y vùng III thì thừa nhận đã sơ hở, dẫn đến việc lợn nhập khẩu chưa được cách ly theo quy định mà được cấp giấy phép đưa đi giết mổ.
Tuy nhiên, việc đổ lỗi, cho rằng doanh nghiệp “lừa” cán bộ thú y là gian dối. Đơn cử, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Bình khẳng định cán bộ thú y đã có mặt ở khu cách ly 3h sáng ngày 13.1 để cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho xe ôtô xe BKS 90C-052.41 và tại đây đã bị doanh nghiệp lừa tráo biển số xe. Nhưng thực tế, vào 3h ngày 13.1, chiếc xe biển số nói trên đã rời khỏi địa phận TP.Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), và trên xe đã có sẵn giấy cấp có chữ ký của thú y tỉnh này.
“Như chi tiết cán bộ thú y không phải bị doanh nghiệp lừa, mà có dấu hiệu gian dối mà báo nêu, chúng tôi sẽ chỉ đạo làm rõ” – ông Võ Trung Kiên – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Bình, nói. Còn ông ông Mai Văn Minh - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Bình thì thừa nhận rằng: Nói 3h sáng đến khu cách ly để cấp giấy xe chở lợn nhập khẩu thì cũng không hợp lý.
Trước sự việc nghiêm trọng nói trên, phía lãnh đạo tỉnh Quảng Bình vào cuộc, đánh giá và xử lý ban đầu khá quyết liệt. Còn Thú y vùng III - đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm soát lợn nhập khẩu thì chỉ khẳng định doanh nghiệp "thủ đoạn", cán bộ chỉ bị "qua mặt". Ngoài ra, đến thời điểm này, cán bộ Thú y ở tỉnh Nghệ An cấp phép cho 2 xe chở lợn nhập khẩu chưa qua kiểm dịch đi giết mổ cũng chỉ bị... thu hồi giấy phép kiểm dịch (!).