Về vấn đề này, luật sư Ngô Việt Bắc, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết: Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản và quan trọng của mỗi người và được ghi nhận tại Hiến pháp.
Cụ thể tại Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, có thể hiểu rằng, tự do ngôn luận cần đặt trong một khuôn khổ theo pháp luật quy định nhằm không bị lợi dụng dẫn tới ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức khác, cũng như làm lệch lạc thuần phong mỹ tục, đạo đức xã hội, trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 20 Hiến pháp 2013, quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”. Quyền này tiếp tục được ghi nhận tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Luật sư Ngô Việt Bắc cho biết thêm: Điểm a, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyên điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, quy định như sau: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân...”.
Trường hợp tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng, theo quy định tại Khoản 2, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Người vi phạm còn phải có trách nhiệm khắc phụ hậu quả: Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác trên mạng xã hội, theo Khoản 2, Điều 155 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm với tình tiết định khung là “Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội”.
Việc sử dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội được xem là tình tiết tăng nặng. Vì trong điều kiện hiện nay, thông qua mạng máy tính, phương tiện điện tử có thể loan truyền nhanh và diện rộng lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhân phẩm, danh dự của người khác. Yếu tố này có thể tác động mạnh hơn đến tâm lý của người bị làm nhục, dẫn đến trầm cảm suy sụp về tinh thần, gây rối loạn hành vi của nạn nhân.
Bên cạnh đó, người có hành vi vi phạm còn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị xúc phạm, ảnh hưởng danh dự nhân phẩm nếu có thiệt hại xảy ra theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015. Mức thiệt hại được quy định chi tiết tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.