Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, ngày 15.6, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh vừa phối hợp Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk kiểm tra đột xuất một ôtô và kho hàng của Công ty TNHH XNK Thịnh Phát (thôn 8, xã Hòa Thuận, TP.Buôn Ma Thuột) do ông H.T.Đ làm giám đốc.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện, ông Đ sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất phân bón rồi giả mạo nguồn gốc, xuất xứ, ghi nơi sản xuất trên bao bì là “made in USA".
Doanh nghiệp của ông Đ không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón, nhưng vẫn đăng ký thành lập công ty (trụ sở chính ở TP.HCM).
Ông Đ mua phân bón không rõ nguồn gốc ở các tỉnh ĐBSCL rồi đem về đấu trộn, đóng gói, mang phân phối ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông với số lượng lớn nhưng không khai báo doanh thu lẫn thực hiện nghĩa vụ thuế...
Thống kê của Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk: Từ đầu năm đến nay, qua kiểm tra 23 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng đã xử lý 21 vụ vi phạm, phạt hành chính với tiền hàng trăm triệu đồng.
Thực tế, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng, sai nguồn gốc xuất xứ... bị phát hiện xử lý. Cả vùng đất rộng trên 2 triệu héc-ta đất sản xuất nông nghiệp trải rộng trên vùng Tây Nguyên là "mảnh đất" béo bở cho gian thương buôn bán hàng phân bón giả, kém chất lượng.
Vấn đề thiệt hại của các nông hộ, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp không chỉ là tiền tỉ vì mua "nhầm" hàng đểu, mà phân bón giả còn gây thiệt hại nặng nề cho vùng nông sản của họ cao gấp nhiều lần. Cây trồng không có phân sẽ không sinh trưởng tốt, kém năng suất, héo tàn, suy thoái giống... Hệ lụy của phân bón giả là giết chết cả vùng nông nghiệp. Vì vậy, đối tượng buôn bán, sản xuất, phân phối phân bón giả... phải bị xử lý thật nặng để răn đe.