Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định các loại xe cơ giới: xe ôtô, xe máy… chủ xe khi tham gia giao thông trên đường phải mua bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe và người mua được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm. Đây là loại bảo hiểm bắt buộc, khi cảnh sát giao thông kiểm tra thì chủ xe phải có xuất trình, nếu không có sẽ bị xử phạt hành chính. Do đó, những ngày qua, khi cảnh sát giao đồng loạt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông, người dân đổ xô đi mua bảo hiểm xe máy.
Tuy nhiên theo luật sư Lê Bá Thường, Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành - Đoàn Luật sư TPHCM, thì không phải cứ mua bảo hiểm xe máy là được bồi thường
Luật sư Thường nhấn mạnh: Theo Điều 12 Thông tư 22/2016/TT-BTC quy định thì doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp sau:
Thứ nhất: Hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe, lái xe hoặc của người bị thiệt hại.
Thứ 2: Lái xe gây tai nạn cố ý bỏ chạy không thực hiện trách nhiệm dân sự của chủ xe, lái xe cơ giới.
Thứ 3: Lái xe không có Giấy phép lái xe hoặc Giấy phép lái xe không phù hợp đối với loại xe cơ giới bắt buộc phải có Giấy phép lái xe. Trường hợp lái xe bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe có thời hạn hoặc không thời hạn thì được coi là không có Giấy phép lái xe.
Thứ 4: Thiệt hại gây ra hậu quả gián tiếp như: giảm giá trị thương mại, thiệt hại gắn liền với việc sử dụng và khai thác tài sản bị thiệt hại.
Thứ 5: Thiệt hại đối với tài sản bị mất cắp hoặc bị cướp trong tai nạn.
Thứ 6: Chiến tranh, khủng bố, động đất.
Thứ 7: Thiệt hại đối với tài sản đặc biệt bao gồm: vàng, bạc, đá quý, các loại giấy tờ có giá trị như tiền, đồ cổ, tranh ảnh quý hiếm, thi hài, hài cốt.
Đặc biệt Điều 586 BLHS 2015 quy định năng lực chịu trách nhiệm đối với trường hợp không có mua bảo hiểm mà xảy ra tại nạn khi người gây tai nạn dưới 18 tuổi thì có 3 trường hợp:
Thứ nhất: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
Thứ hai: Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu.
Thứ 3: Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.