Tính trên một hóa đơn theo thang bậc lũy tiến là không hợp lý
Trước việc Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN Hà Nội) tính gộp hóa đơn tiền điện tháng 1 và tháng 2 thành một hóa đơn, khiến số tiền phải trả tăng gấp đôi, người dân đặt câu hỏi sao công ty điện lực không tách riêng từng tháng một. Điều này được cho là không làm hóa đơn tiền điện tăng đột biến, đồng thời cũng không làm thay đổi số tiền phải đóng.
Anh Duy Tuấn bình luận sau khi đọc bài viết "Người dân lo bị thiệt khi Điện lực Hà Nội gộp hóa đơn" đăng trên Báo Lao Động điện tử: "Là người sử dụng điện, tôi chỉ mong được thanh toán theo điện một giá, không theo bậc thang, không lũy tiến. Lúc đó muốn thanh toán đầu tháng hay cuối tháng, tôi cũng vui lòng".
Tương tự, độc giả Nguyễn Phong bình luận trên Lao Động: "Dù được giải thích là điều chỉnh bậc giá, nhưng việc gộp 2 tháng, rồi tính trên một hóa đơn theo thang bậc lũy tiến là không hợp lý".
Độc giả Trang Trần đề nghị đơn vị điện lực chốt số công tơ những ngày còn lại của tháng 1 riêng (chốt hết ngày 31.1) và chốt chỉ số công tơ của tháng 2 riêng (từ ngày 1.2 đến 29.2).
Nếu chốt riêng như vậy thì người sử dụng điện sẽ không bị thiệt thòi do cách tính điện theo phương pháp lũy tiến. Còn nếu chốt gộp cả tháng 1 và tháng 2 như ngành điện áp dụng, số tiền thanh toán của tháng 2 sẽ tăng khoảng 27%.
Khách hàng có thể tự kiểm tra
Trước thắc mắc về việc tăng lượng điện tiêu thụ sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi khách hàng khi tính giá điện sử dụng theo bậc thang, đại diện EVN Hà Nội cho biết cùng với việc điều chỉnh ngày ghi chỉ số công tơ, số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 cũng được thay đổi.
Theo đó, từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100kWh lên 184kWh. Sở dĩ có con số này bởi kỳ thanh toán bình thường là 31 ngày, định mức tính tiền điện bậc 1 là 50kWh, giờ kỳ thanh toán kéo dài thành 57 ngày (tăng 1,84 lần), định mức tính tiền điện bậc 1 cũng tăng 1,84 lần, lên thành 92 số điện. Các bậc lũy kế sau cũng tăng tương ứng.
Theo đó, EVN Hà Nội khuyến cáo khách hàng có thể kiểm tra sản lượng điện, sử dụng công cụ tính hóa đơn tiền điện trực tuyến để tra cứu và tính hóa đơn tiền điện hằng tháng.
Lượng điện năng ghi nhận để tính hóa đơn tiền điện trong tháng dịch chuyển sẽ nhiều hơn so với hóa đơn tiền điện của những tháng trước, song các tháng tiếp theo sẽ trở lại bình thường.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã có văn bản chỉ đạo, thống nhất trên toàn địa bàn thành phố về việc thay đổi ghi chỉ số công tơ điện của EVN Hà Nội.
Đây là việc làm cần thiết, đảm bảo tính thống nhất trong quản lý, giảm thiểu được những sai sót trong quá trình ghi chỉ số và thanh quyết toán hóa đơn cũng như đảm bảo công bằng cho các khách hàng sử dụng điện (kể cả hộ tiêu thụ sinh hoạt và hộ sản xuất, kinh doanh).
“Việc thay đổi ghi chỉ số công tơ cũng là trong chỉ đạo chung từ quản lý nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân. Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện.
Về việc làm này thì đối với quản lý nhà nước, chúng tôi cũng mong mỏi từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng kỹ thuật, bây giờ chúng ta đã làm chủ và đã chuyển đổi số rất mạnh thì việc chúng ta áp dụng này rất là tốt và phù hợp” - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết thêm.