Căn cứ theo Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, lao động nữ làm việc tự do hoặc không đi làm sẽ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trong trường hợp này, lao động nữ có thể đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng các chế độ bảo hiểm.
Cụ thể, căn cứ theo Khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định như sau:
Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội
...
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp thai sản;
b) Hưu trí;
c) Tử tuất;
d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động.
4. Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật Việc làm.
5. Bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Theo đó, trợ cấp thai sản là một trong những chế độ bảo hiểm tự nguyện được bổ sung theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Như vậy, khi Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực, tức từ ngày 1.7.2025, lao động nữ không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc vẫn có thể nhận tiền thai sản khi sinh con nếu đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và đáp ứng điều kiện về thời gian tham gia BHXH theo quy định.
Mức trợ cấp thai sản mà lao động nữ nhận được trong trường hợp này là 2 triệu đồng, chưa kể những chính sách khác dành cho lao động nữ là dân tộc thiểu số hoặc là dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo (theo Khoản 1 Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).