"Bỗng nhiên" mất cả vạn mét đất
Báo Lao Động nhận được “Đơn cầu cứu” của ông Phùng Xuân Nam, có hộ khẩu thường trú tại xóm Mòng, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn (Hòa Bình), phản ánh về việc bị cấp chồng lấn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) với diện tích hơn 4ha vào tổng diện tích đất rừng.
Trong đơn, ông Nam cho biết sự việc trên đã dẫn đến việc tranh chấp giữa các bên về phần đất cấp GCNQSDĐ bị chồng lấn và cấp sai diện tích so với thực tế, gây bức xúc, căng thẳng giữa các gia đình sở hữu đất, mất đi "tình làng, nghĩa xóm", gây thiệt hại về kinh tế, mệt mỏi khiếu kiện kéo dài…
Cụ thể, theo ông Nam, từ năm 2019, khi gia đình vẫn đang sử dụng đất ổn định, trong quá trình mở rộng hào phân chia ranh giới, đã xảy ra việc tranh chấp với các hộ liền kề. Qua đó, ông Nam phát hiện đã có nhiều diện tích đất trong tổng số 12ha đất rừng của mình bị cấp chồng lấn GCNQSDĐ.
Sau đó, ông Nam và gia đình đã gửi đơn đến UBND huyện Lương Sơn, UBND thị trấn Lương Sơn đề nghị xin trích lục hồ sơ thửa đất, đo vẽ lại hiện trạng 2 thửa đất để xác định chính xác vị trí, diện tích chồng lấn và được các cơ quan này đồng ý.
Kết quả, qua quá trình đo đạc thực tế 2 thửa đất là thửa số 61, tờ bản đồ số 1 và thửa 84, tờ bản đồ số 1, căn cứ vào hồ sơ địa chính của UBND thị trấn Lương Sơn, thông tin các hộ liền kề được cấp… ông Nam cho biết diện tích đất của mình đã bị cấp chồng lấn bởi các GCNQSDĐ của 4 hộ gia đình khác nhau, với diện tích lên tới 40.760m2.
Bức xúc về tình trạng trên, ông Nam chia sẻ: “Bản thân hộ gia đình tôi cũng không hiểu bằng cách nào, trình tự thủ tục đã đúng theo quy định pháp luật hay chưa mà UBND thị trấn, UBND huyện Lương Sơn, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai có thể cấp chồng sổ đỏ hàng vạn mét vuông đất lên đất nhà tôi như vậy”.
Mệt mỏi, bức xúc vì thấy sự việc bị "đùn đẩy"
Cũng theo ông Nam, sau nhiều lần phản ánh, gửi đơn đến UBND thị trấn Lương Sơn, chính quyền thay vì tìm ra vấn đề trong quy trình làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ như kiểm đếm, đo đạc, lấy ý kiến… để đính chính, sửa đổi cho “thấu tình, đạt lý” và giải quyết dứt điểm thì lại muốn đẩy sự việc sang một bên khác là tòa án để giải quyết, khiến gia đình ông Nam và các hộ gia đình tranh chấp càng thêm mệt mỏi, bức xúc.
Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Lao Động đã có buổi trao đổi nhanh với ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lương Sơn. Qua đó, ông Dũng cho biết sau khi xác định được việc có sự chồng lấn, chính quyền đã đứng ra hòa giải giữa các bên nhưng không thành, sau đó đề nghị, hướng dẫn các bên chuyển vụ việc sang tòa án giải quyết.
Khi được hỏi về việc trong quá trình giải quyết vụ việc, UBND thị trấn Lương Sơn có phát hiện các dấu hiệu sai phạm trong quá trình làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ đối với trường hợp này hay không, ông Dũng nói: “Sự việc này ở giai đoạn trước tôi không nắm được, ở thị trấn thì góc độ giải quyết các đơn thư chỉ ở mức hòa giải, còn quyết định để ra vấn đề thì phải cấp trên, hoặc là tòa án”.
Để tìm hiểu rõ hơn về cách giải quyết vấn đề này, PV Báo Lao Động đã liên hệ làm việc với UBND huyện Lương Sơn. Qua đó, ông Nguyễn Khắc Yến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện này cho biết, với trường hợp trên sẽ có 2 cách giải quyết: “Một là chuyển sang tòa, hai là huyện sẽ giải quyết, nếu giải quyết được ở huyện sẽ đơn giản hơn”.
“Việc chồng lấn thì cũng xảy ra thường xuyên đấy, nhưng đối với trường hợp này chúng tôi phải kiểm tra lại, nếu thật sự sổ đỏ bị cấp chồng sẽ điều chỉnh” – ông Yến nói.
Với các dấu hiệu sai phạm vẫn còn đang bị bỏ ngỏ trong sự việc này, bạn đọc sẽ chờ đợi sự vào cuộc kịp thời cùng với phương án xử lý “hợp tình, hợp lý” nhất từ các cấp, các ngành của huyện Lương Sơn và tỉnh Hòa Bình, tránh việc khiếu kiện kéo dài, gây mệt mỏi, bức xúc trong nhân dân.