Suốt quãng đường di chuyển từ phố Nguyễn Đình Thi đến Trích Sài, bạn Nguyễn Huyền Trang (20 tuổi, Ba Đình) gần như phải đi bộ xuống lòng đường bởi vỉa hè hết không gian để di chuyển. Huyền Trang cho biết, tình trạng các quán ăn, hàng nước tại đây chiếm dụng vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán đã diễn ra suốt thời gian dài.
“Vào buổi tối những ngày cuối tuần, nhiều hàng quán bày bàn, ghế ra sát mép vỉa hè, chiếm trọn không gian nơi đây. Một vài hàng quán khác còn sử dụng loa kéo, bật nhạc lớn gây ồn ào và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh” - bạn Trang nói.
Bên cạnh đó, Huyền Trang cho rằng, diện tích mặt đường tại tuyến phố này tương đối hẹp nên việc đi bộ dưới lòng đường sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, rủi ro.
Thường xuyên tập thể dục tại Hồ Tây, anh Phạm Quang Hưng (39 tuổi, Tây Hồ) cho biết, dù nơi đây đã được lắp đặt biển cấm, song, nhiều hàng quán vẫn ngó lơ, ngang nhiên chiếm dụng các khu vực công cộng để kinh doanh.
“Nhiều hôm tôi muốn đi dạo sát khu vực hồ để hóng mát, tận hưởng bầu không khí trong lành nhưng đều gặp khó khăn, bởi một số hộ dân họ tận dụng phần đường đi gần hồ để kinh doanh, kiếm lời” - anh Hưng nói.
Theo ghi nhận của Lao Động ngày 29, 30.7, vỉa hè, vườn hoa, khu vui chơi công cộng bao quanh Hồ Tây (Hà Nội) đều bị chiếm dụng, gây mất mĩ quan đô thị.
Vỉa hè, vườn hoa tại các tuyến phố như Nguyễn Đình Thi, Trích Sài, Vệ Hồ,... hầu như bị “án ngữ” bởi các hoạt động buôn bán, đỗ xe trái phép khiến người dân phải di chuyển xuống lòng đường. Những hàng quán này bắt đầu hoạt động từ khoảng 9h sáng và nhộn nhịp, đông khách dần vào buổi chiều tối, đêm.
Thậm chí, phần đường đi bộ sát Hồ Tây còn bị các hộ dân ngang nhiên bày bàn, ghế, ô dù để kinh doanh trái phép, khiến Hồ Tây trở thành một “bãi biển mini”. Người dân muốn ngắm cảnh, hóng mát tại khu vực này đều phải gọi đồ uống, trả phí để sử dụng dịch vụ.