Như Lao Động đã thông tin, ngày 18.10.2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1.9.2017 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Theo văn bản mới ban hành, Chính phủ đã thay đổi nhiều quy định về đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.
Theo đó, kể từ ngày Nghị định 89 có hiệu lực (10.12.2021), chỉ còn lại 1 chương trình bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp dùng chung. Viên chức có chứng chỉ hành nghề được sử dụng thay thế chứng chỉ chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tương ứng.
Nghị định 89/2021 quy định: “Cán bộ, công chức, viên chức có chứng chỉ hoàn thành các chương trình bồi dưỡng quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 Điều 17 Nghị định số 101/2017 hoặc đã được bổ nhiệm vào chức vụ, ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức trước ngày 30.6.2022 thì không phải tham gia các chương trình bồi dưỡng tương ứng theo quy định của Nghị định này”.
Trước đây trong quá trình công tác, viên chức cần học để lấy 4 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, Nghị định 89 chỉ yêu cầu 1 chứng chỉ dùng chung.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 89/2021, vì vậy nhiều giáo viên vẫn tỏ ra lúng túng, bối rối.
“Tôi vào ngành giáo dục đã 10 năm, có bằng đại học sư phạm, nay theo quy định mới có phải đi học lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp giáo viên nữa không?” - một cô giáo bậc tiểu học tại Hà Tĩnh băn khoăn.
Một giáo viên bậc trung học phổ thông tại Nghệ An cho biết, bản thân đã đi học bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III, nay chuẩn bị thăng lên hạng II thì có cần chứng chỉ khác hay không.
Một số giáo viên khác thì thấy, nhiều người đi học các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, lo lắng nếu mình không tham gia thì sau này không có lớp để học nữa.
Một số giáo viên băn khoăn theo quy định viên chức tham gia các lớp bồi dưỡng thì được ngân sách hỗ trợ kinh phí, nhưng thực tế từ trước đến nay đều do giáo viên tự bỏ tiền, nay theo quy định mới có được hỗ trợ hay không.
Nhìn chung, nhiều giáo viên vẫn rất băn khoăn giữa việc học hay không học, bao giờ học, chứng chỉ hạng này có thay thế cho các chứng chỉ hạng khác hay không, quyền lợi về lương có gì thay đổi so với quy định mới.
Trước những băn khoăn nói trên, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An - cho hay, hiện nay Nghị định 101/2017 đang có hiệu lực, nên các giáo viên đủ điều kiện vẫn được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định; khi nào có văn bản hướng dẫn Nghị định 98/2021 thì ngành sẽ triển khai áp dụng.
Chuyên gia giáo dục Lê Văn Vỵ (Hà Tĩnh) nhận định: “Quy định mới có nhiều điểm rút gọn, tinh giản, có lợi hơn cho viên chức, đặc biệt là quy định tích hợp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo hướng “4 trong 1” và ngân sách hỗ trợ kinh phí bồi dưỡng. Giáo viên có thể chờ quy định mới để thực hiện. Đối với những người đã có 1 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì không cần học nữa”.