Văn phòng Chính phủ ngày 10.6 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với đề nghị của Bộ Nội vụ về cắt giảm các chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ quản lý ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khẩn trương rà soát, bảo đảm cắt giảm những chứng chỉ bồi dưỡng mang tính hình thức, không phù hợp; rà soát, sửa đổi các chương trình bồi dưỡng đối với công chức, viên chức chuyên ngành được giao quản lý, tránh trùng lặp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Trước đó, Bộ Nội vụ có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề xuất giảm 17 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và 87 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức.
Những thông tin nói trên được đội ngũ giáo viên rất quan tâm. Thầy Nguyễn Đức Hà- giáo viên THPT ở Hà Tĩnh, cho biết: theo quy định hiện hành, giáo viên THPT được phân thành 3 hạng từ cao đến thấp là I-II-III, để được xếp hạng và nâng hạng, giáo viên phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tương ứng.
“Giáo viên phải đi học rất vất vả, không những tốn kém về tiền bạc mà lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc, trong khi tâm lý chung là đi học để lấy chứng chỉ chứ không phải để nâng cao kiến thức” – thầy Hà nói.
Lần giở nội dung chương trình bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, cô Lê Thị Trang (GV THCS ở Nghệ An) cho biết: Chương trình nặng về lý thuyết, có nhiều nội dung đã có trong chương trình đào tạo đại học sư phạm, nhiều nội dung không thiết thực như nền giáo dục các nước trên thế giới, nhiều nội dung các nhà trường đang triển khai như đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá...
“Khung nội dung bồi dưỡng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên các hạng được biên soạn không phù hợp với thực tế, nhu cầu của giáo viên phổ thông, vì vậy, tâm lý chung là ai cũng muốn thời gian qua nhanh, để có chứng chỉ xét thăng hạng, học với tâm lý đối phó” – cô Trang cho biết.
Qua tìm hiểu, được biết nhiều giáo viên hiện nay cảm thấy rất áp lực vì liên tục phải tham gia các lớp tập huấn, thực hiện chương trình tự học, tự bồi dưỡng, lại còn thêm gánh nặng chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Việc phân chia giáo viên thành các hạng I-II-III theo các nhà giáo cũng không phù hợp với thực tế, vì chất lượng, kết quả giáo dục của giáo viên thay đổi theo từng năm, không có gì bảo đảm đã được lên giáo viên hạng I là liên tục có thành tích tốt hơn giáo viên hạng II-III và ngược lại.
“Do đó, cách phân hạng giáo viên như thế sẽ triệt tiêu động lực phấn đấu của giáo viên, trong trường hợp giáo viên yếu kém vẫn được trả lương cao hơn giáo viên khác chỉ vì đã được thăng hạng cao” – thầy Lê Văn Minh- giáo viên Tiểu học ở Hà Tĩnh chia sẻ.
Từ thực tế nói trên, nhiều nhà giáo tha thiết được cởi bỏ “vòng kim cô” của các chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và cả cách phân hạng giáo viên không phù hợp thực tế, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn thiên về hình thức, lãng phí mà không hiệu quả.