Sự nửa vời thứ nhất là, giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam lâu nay cho dù được gọi là T+2 nhưng phải đến cuối chiều ngày T+2 tiền bán chứng khoán mới về tài khoản của nhà đầu tư. Vì vậy, trong ngày T+2, tiền bán không về kịp tài khoản để giao dịch, muốn mua vào phải ứng trước tại công ty chứng khoán mà nhà đầu tư đã mở tài khoản.
Sự nửa vời thứ hai là, nhà đầu tư mua vào cổ phiếu nhưng tới cuối ngày T+2 (còn trong giờ giao dịch) cũng chưa thấy cổ phiếu về tài khoản, mà phải đợi tới sáng ngày T+3 cổ phiếu mới về đến và sẵn sàng cho việc giao dịch của nhà đầu tư.
Lâu nay, các cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đặt ra khái niệm “giao dịch T+2” trên thị trường, thực chất là giao dịch T+2,5 và thậm chí là T+3.
Với dự thảo xây dựng quy chế mới, khái niệm “giao dịch T+2” mới đúng thực chất, nghĩa là cả tiền và cổ phiếu về tài khoản ngay trong ngày T+2. Và quan trọng hơn nữa là tiền và cổ phiếu về đến tài khoản của nhà đầu tư khi thị trường vẫn còn trong thời gian giao dịch của ngày T+2.
Như vậy, dòng tiền và cổ phiếu sẽ được luân chuyển nhiều hơn, nhanh hơn, nhà đầu tư sẽ xoay chuyển tốt hơn vì có thể nắm bắt cơ hội mua vào hay bán ra sớm sủa hơn từ nửa ngày cho đến một ngày so với trước đây.
Nói tóm lại, nếu phương thức giao dịch T+2 thực chất được triển khai trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ giúp nâng cao quyền lợi và cả cơ hội cho nhà đầu tư. Qua đó, giao dịch T+2 thực chất có thể góp phần thúc đẩy dòng tiền tham gia giao dịch để gia tăng thanh khoản, đặc biệt trong bối cảnh thị trường đang khá ảm đảm, chỉ số VN-Index giảm mạnh trong thời gian qua cùng với thanh khoản èo uột.
Việc lấy ý kiến để cho đúng quy trình, chứ việc áp dụng T+2 thực chất đã được cả thị trường mong đợi trong nhiều năm qua.
Và thậm chí, nhà đầu tư còn mong muốn nhiều hơn, đó là triển khai giao dịch T+1, T+0, từ đó sẽ giúp cho thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng tầm cả về mức độ chuyên nghiệp và sự sôi động, kích thích thanh khoản tăng mạnh từ đó mới mong sớm nâng hạng được thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi.
Nhà đầu tư cũng mong muốn các cải tiến, nâng cấp cần thực chất, từ T+2 đến T+1 hay T+0, chứ không nên để tồn tại tình trạng giao dịch T+… lại cộng thêm khoảng “thời gian cao su” nửa ngày nữa.
Muốn thúc đẩy quá trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, những mục tiêu trước mắt và lâu dài không gì khác chính là nâng cao các chuẩn mực hoạt động, tính chuyên nghiệp và độ minh bạch. Đặc biệt là, các quy định, phương thức giao dịch phải tạo tiện ích nhiều nhất cho nhà đầu tư và các công ty chứng khoán trên nền tảng công nghệ số.