Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Dự thảo lần này có nhiều điểm chi tiết hơn so với những dự thảo trước đó.
Theo đó, dự thảo quy định 2 hình thức mua bán điện DPPA, gồm mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.
Với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, đối tượng áp dụng là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo là đơn vị điện lực sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Như vậy, ở dự thảo này, hệ thống điện mặt trời mái nhà được mua bán điện trực tiếp không qua EVN, tuy nhiên, khác với phạm vi ở dự thảo Nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu (không mua bán dưới mọi hình thức) là nhà máy phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực và tuân thủ quy định của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư…
Về giá mua bán điện, với hình thức mua bán qua đường dây riêng, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và doanh nghiệp sẽ tự thỏa thuận với nhau. Điện dư thừa có thể đàm phán để bán lại cho EVN.
Riêng trường hợp bán lẻ điện tại khu, cụm công nghiệp do đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện, vừa bán lẻ điện qua đường dây riêng nhưng có kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia (dự phòng khi thiếu điện), thì giá bán lẻ điện sẽ theo quy định do Bộ Công Thương ban hành.
Nhận định về cơ chế DPPA, ông Đào Nhật Đình (Tạp chí Năng lượng Việt Nam) cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, lượng điện năng tiêu thụ của các trung tâm dữ liệu toàn thế giới đạt khoảng 240-340 tỉ kWh (lớn hơn điện năng tiêu thụ của cả nước Việt Nam).
Phần lớn các siêu công ty như Amazon, Google, Apple… sở hữu các trung tâm dữ liệu lớn luôn muốn sử dụng 100% điện từ năng lượng tái tạo, nhằm tạo thương hiệu xanh - thông qua các hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Để làm được như vậy, ông Đào Nhật Đình cho rằng, cần các hợp đồng mua bán điện trực tiếp. Ngoài việc tạo ra màu “xanh” cho người mua, hợp đồng mua bán điện trực tiếp còn làm giảm giá điện dài hạn của bên mua và tạo ra nguồn đầu tư chắc chắn cho bên bán - tức là tạo ra lợi ích kinh tế thuần túy.
Tuy nhiên, hợp đồng mua bán điện trực tiếp phần nào tạo ra áp lực lớn cho lưới điện do buộc phải cân bằng với lượng điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng. "Vì lẽ đó phải có các chính sách điều độ thích hợp với khả năng chịu tải của lưới điện”, ông nói.
Chi phí truyền tải của Việt Nam hiện tại thấp so với các nước có hệ thống tương đương, do đó, ông Đào Nhật Đình cho rằng, cơ chế DPPA có thể vẫn giúp nhà đầu tư và người mua điện trực tiếp mua được điện giá tốt hơn là mua qua EVN.
"Hiện Việt Nam chưa áp dụng giá điện 2 thành phần, nên việc chuẩn bị và duy trì sẵn sàng công suất cung cấp cho trung tâm dữ liệu có DPPA với một số nhà máy năng lượng tái tạo có thể sẽ tăng chi phí lớn. Thế nên trong thỏa thuận bán dịch vụ, có thể cộng thêm phí công suất, lúc đó giá bán điện trực tiếp có thể cao hơn giá hiện tại", ông nói.