Theo Hướng dẫn quản lý người mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, người mắc COVID-19 điều trị tại nhà cần làm theo các hướng dẫn về theo dõi sức khỏe hàng ngày, cụ thể:
Cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 sẽ có hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị. Nội dung theo dõi gồm:
Các chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).
Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo...
Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ…
Ngoài theo dõi các chỉ số hàng ngày và ghi chép lại, Bộ Y tế cũng lưu ý người mắc COVID-19 nên có chế độ sinh hoạt, vận động để tăng cường sức khỏe như: Nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); Tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày theo hướng dẫn tập thở cho bệnh nhân COVID-19; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước.
Ngoài ra, F0 điều trị tại nhà không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng như: Ăn đầy đủ chất, ăn nhiều trái cây, uống nước hoa quả…
Bên cạnh đó, người bệnh cần có suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái, tránh tâm lý stress, căng thẳng...
Nếu F0 điều trị tại nhà bị sốt:
Đối với người lớn: > 38,5 độ hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6 giờ, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
Đối với trẻ em: > 38,5 độ, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần.
Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.