Theo Bộ Công Thương, đây là mức giá đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán theo chi phí tránh được bình quân năm 2023. Giá không cố định mà sẽ được điều chỉnh hằng năm sau khi có đề xuất của EVN.
Giá mua điện dư phát lên lưới sẽ nằm trong khoảng 600 - 700 đồng/kWh, đảm bảo khuyến khích phát triển điện mặt trời nhưng phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.
Trao đổi với Lao Động sáng 17.7, ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió - mặt trời tỉnh Bình Thuận đánh giá, so với đề xuất không mua bán điện mặt trời dư thừa, việc Bộ Công Thương tiếp thu dư luận và đưa ra một mức giá hợp lý để giúp các doanh nghiệp không lãng phí nguồn điện dư thừa là một tín hiệu tích cực.
Khi được hỏi mức giá trên đã phù hợp, khuyến khích nhà đầu tư làm điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hay chưa, ông Thịnh cho rằng "điều này phải để thị trường trả lời trong thời gian tới", song, để có giá 671 đồng/kWh là bước tiến rất lớn đối với nhà đầu tư; là tín hiệu tích cực giúp doanh nghiệp có thêm động lực đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo.
Ông Thịnh cũng khẳng định rằng, với cơ chế mới, các dự án lắp đặt điện mặt trời đều phải xác định đây là mô hình tự sản tự tiêu, tức là nguồn điện sản sinh ra phải phục vụ chính cho hoạt động sản xuất. Nhưng nếu dư thừa mà không được mua bán thì rất lãng phí nguồn lực xã hội.
"Kể cả với hộ gia đình, doanh nghiệp hay công sở, có nhiều thời điểm không sử dụng hết nguồn điện mặt trời mái nhà tự làm ra như thời điểm lễ, Tết, thứ 7, Chủ nhật.
Do đó, trong bối cảnh thiếu điện vẫn hiện hữu, nên tận dụng nguồn điện này phát sản lượng dư lên lưới và được thanh toán một khoản tiền mang tính khuyến khích, giúp doanh nghiệp có thêm chi phí, hạch toán hóa đơn đầu ra, đầu vào, chứ không xem đây là khoản đầu tư để bán điện sinh lời", ông Thịnh cho hay.
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm - nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương), đánh giá việc chấp nhận cho mua lại nguồn dư thừa, phát lên lưới và có thanh toán tiền… là bước tiến đáng ghi nhận của các nhà làm chính sách.
Bởi hồi tháng 6, Bộ Công Thương vẫn còn bảo lưu quan điểm loại hình này chỉ được sản xuất tiêu thụ tại chỗ, không bán cho tổ chức, cá nhân khác hay lên lưới điện quốc gia.
Bộ Công Thương khẳng định “không quay xe” chính sách
Khi xây dựng đề xuất giá mua điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương khẳng định đã bám sát chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ khi xây dựng nghị định về điện mặt trời mái nhà, không có chuyện ‘quay xe’ chính sách như dư luận nêu.
Theo Bộ Công Thương, tại dự thảo báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ ý kiến về quan điểm EVN chịu trách nhiệm mua sản lượng điện dư và bảo đảm an toàn vận hành hệ thống điện, bảo đảm sự hài hòa và khuyến khích phát triển cơ chế này; đồng thời, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương cho hay: Tại cuộc họp, lãnh đạo EVN thống nhất thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, mua sản lượng điện dư của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phát vào hệ thống điện quốc gia.
Các giải pháp, thiết kế điều kiện cần thiết để không xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn lực xã hội đã được quy định tại các điều khoản của dự thảo nghị định.
Dẫn một loạt chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ thời gian qua, Bộ Công Thương cho biết đã và đang tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng dự thảo nghị định điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu trên tinh thần bảo đảm tính khuyến khích, đơn giản trong thực hiện, tiết kiệm chi phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo không xảy ra tiêu cực và lãng phí nguồn lực xã hội.
“Vì vậy, những ngày qua, dư luận cho rằng, Bộ Công Thương không nhất quán trong việc ban hành, xây dựng cơ chế, chính sách trong vấn đề này là hoàn toàn không chính xác”, Bộ này lập luận.