Hiện tại quỹ bảo hiểm xã hội chủ yếu dùng mua trái phiếu Chính phủ với hiệu quả đầu tư chưa cao.
1,2 triệu tỉ đồng quỹ kết dư, làm thế nào để đầu tư hiệu quả?
Theo các chuyên gia, nếu số tiền này được đầu tư hiệu quả sẽ nâng cao việc đảm bảo an sinh xã hội bền vững. Hiện thị trường chứng khoán đang có 8 triệu tài khoản cá nhân nhưng số lượng nhà đầu tư tổ chức là rất khiêm tốn. Vậy làm sao để thúc đẩy phát triển của nhà đầu tư tổ chức?
Ngày 19.7, phát biểu tại buổi “Đối thoại tháng 7, nâng hạng, gọi vốn và phát triển nhà đầu tư tổ chức” do Câu lạc bộ Nhà báo Chứng khoán tổ chức, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phẩn FiinGroup - cho biết: “Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản trị tổng tài sản 1,2 triệu tỉ đồng.
Đây là cơ quan đang quản lý tiền hưu trí cho người dân. Mặc dù tôi không muốn cổ vũ việc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đi đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, tuy nhiên, theo thông lệ quốc tế, quỹ hưu trí có thể xem xét đầu tư thông qua các định chế tài chính khác như chứng chỉ quỹ với tỉ lệ nhất định và phù hợp. Đầu tư một tỉ lệ nhỏ vào trái phiếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm cao đến rất cao hoặc rủi ro thấp đến rất thấp như một số nước trong khu vực.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có thể nghiên cứu việc đầu tư vào trái phiếu của chính các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu chi phối và có mức độ xếp hạng tín nhiệm cao. Giải pháp này rất có lợi thay vì phương án vay vốn hoặc trái phiếu quốc tế hiện có lãi suất cao như hiện nay.
Cuối cùng là hạn chế đầu tư trực tiếp vào cổ phiếu nhưng có thể đầu tư vào các quỹ đầu tư được cấp phép, có năng lực đã được chứng minh và có khẩu vị rủi ro phù hợp (mô hình quỹ trong quỹ - fund of funds)”.
Lý giải cho các kiến nghị trên, ông Thuân cho rằng: “Hiện tại, một số doanh nghiệp nhà nước đi vay nước ngoài với lãi suất rất đắt lên tới 7-8-9%. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội đang cầm tiền của Chính phủ, Nhà nước lại không có lợi nhuận cao. Vì vậy, theo tôi nên tạo cơ chế đầu tư để Bảo hiểm xã hội phân bổ tỉ lệ nhất định, vừa đủ an toàn. Đây là cũng là thông lệ quốc tế. Đối với quỹ hưu trí tự nguyện, tôi cho rằng còn nhiều dư địa phát triển, cơ chế khuyến khích để người đân tham gia vào các quỹ này”.
Theo nghiên cứu của Fiin Group, các quỹ hưu trí tự nguyện chưa thu hút được nguồn tiền và tăng trưởng vì 2 lý do. Thứ nhất là khung pháp lý chưa đầy đủ và đang trong quá trình hình thành. Thứ hai là chưa đủ những ưu đãi đủ hấp dẫn để cá nhân tham gia tự nguyện vào các quỹ này.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ yếu đầu tư vào trái phiếu chính phủ, một tỷ lệ nhỏ vào tiền gửi ngân hàng và hiện chưa đầu tư vào thị trường cổ phiếu hay trái phiếu doanh nghiệp. Thông lệ trên thế giới mà Việt Nam có thể xem xét:
Làm thế nào để phát triển nhà đầu tư tổ chức?
Ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết: “Số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán tư nhân hiện nay là 8 triệu tài khoản. Thế nhưng số lượng nhà đầu tư tổ chức là rất khiêm tốn. Đây là một điểm chưa bền vững của thị trường Việt Nam. Vậy làm sao để thay đổi điều này? Thúc đẩy phát triển của nhà đầu tư tổ chức là nhiệm vụ mà cơ quan quản lý nhà nước đã nhận ra từ lâu và đưa vào trọng tâm phát triển trong thời gian tới. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều cần phải làm”.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, Quốc hội vừa thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trong đó giao cho Chính phủ đưa ra các quy định liên quan đến quỹ hưu trí tự nguyện. Khi đã có quy định rõ ràng, khuyến khích để huy động nguồn quỹ hưu trí tự nguyện thì đó là nguồn lực để đầu tư quản lý trên thị trường.
“Tôi đồng tình với đánh giá cho rằng đây là dư địa lớn”, ông Nguyễn Đức Chi - Thứ trưởng Bộ Tài Chính cho biết.