Điển hình trong gói hỗ trợ này, Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh… Thủ tướng Chính phủ giao Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng BHXH đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12.2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Tuy vậy, gói hỗ trợ này đến với DN không thông suốt như mong muốn của Chính phủ. Ông Trần H, một chủ doanh nghiệp sản xuất ván sàn ở TP.Hồ Chí Minh, kể lại câu chuyện của ông: Ngày 9.6, ông bị đến Bệnh viện 115 (TP.Hồ Chí Minh để khám chữa bệnh, thì bị từ chối thẳng thừng. Nguyên nhân, những tháng xảy ra dịch bệnh, công nhân nghỉ việc, nên ông dừng việc nộp BHXH theo chủ trương giãn nộp BHXH của Chính phủ.

Bảo hiểm xã hội quận 3, TP.Hồ Chí Minh đã dẫn Công văn số 860/BHXH- BT gửi BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Theo đó, đối tượng được hưởng chính sách này khi DN có từ 50% số lao động trong diện tham gia BHXH bắt buộc bị ngừng việc, thôi việc, không bố trí được việc làm và DN bị thiệt hại từ 50% tổng thu nhập do dịch COVID-19).
Trong khi đó, dịch COVID-19 đã khiến nhà máy ông phải ngừng phần lớn hoạt động và tạm thời hơn 40% công nhân phải nghỉ việc. Sau khi khai báo với các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất và đề nghị xin giảm miễn thuế, lãi vay… ông đinh ninh rằng cơ sở sản xuất của mình sẽ được hưởng luôn phần ưu đãi giãn nộp BHXH. Tuy vậy, khi đến khám chữa bệnh, trường hợp của ông bị bảo hiểm y tế từ chối.
Theo ông H rất khó để làm các thủ tục chứng minh doanh nghiệp đủ hai điều kiện trên, khi DN ông cho công nhân làm việc luân phiên, cầm chừng, để giữ người, khi dịch bệnh qua, là có thể khôi phục ngay sản xuất.
Như vậy, để đáp ứng yêu cầu giảm 50% thu nhập và 50% công nhân, để hưởng chính sách giãn nộp BHXH vô hình chung có tác động ngược, đẩy người lao động mất việc nhiều hơn... vì DN phải đạt đến con số 50% để hưởng chính sách nói trên.
Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề: Nếu đã hỗ trợ cho doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, thì phải tính toán bảo đảm chính sách đi vào thực tế cuộc sống, chứ BHXH lập ra rào cản kỹ thuật bằng tỉ lệ thất nghiệp và giảm bao nhiêu phần trăm thu nhập doanh nghiệp, thì quá khó để DN tiếp cận được những chính sách hỗ trợ của Chính phủ.