Dân điêu đứng vì không có chỗ định cư
Anh Phạm Văn Hùng (tổ dân phố Toàn Thắng) cho hay: "Tôi và em ruột có góp tiền mua một lô đất ở tổ dân phố Toàn Thắng với diện tích hơn 200m2. Tôi đang muốn tách ra để sang nhượng cho em mình sử dụng để xây nhà thì không được cơ quan chức năng chấp thuận vì đang vướng quy hoạch.
Nhưng đất của tôi thuộc diện có thổ cư, được cấp sổ đỏ vào năm 2021 và việc tách thửa, xin giấy phép xây dựng là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi không dám làm sai luật. UBND huyện điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý thì nên xem xét điều chỉnh để hợp lòng dân. Đằng này, mọi hậu quả người dân gánh hết.
Không chỉ có em trai tôi chưa có chỗ ở, nhiều hộ dân khác muốn xây nhà cũng không được. Có người cứ xây là bị cơ quan chức năng đến lập biên bản, xử phạt hành chính".
Ông Phạm Hiệp - Tổ trưởng tổ dân phố Toàn Thắng - chia sẻ: "Đơn kiến nghị có 74 hộ ký tên, đòi quyền lợi từ cơ quan chức năng có thẩm quyền. Nhưng thực tế, có hơn trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng do bất cập trong việc điều chỉnh quy hoạch. Chúng tôi cứ chờ mãi nhưng chưa thấy UBND huyện, thị trấn giải quyết.
Ngay cả cuộc họp về việc tháo gỡ khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu ở khu trung tâm thị trấn do UBND thị trấn Ea Pốk tổ chức vào chiều 9.3 vừa qua cũng bị huỷ. Còn lý do vì sao huỷ thì người dân chúng tôi không được thông báo chi tiết".
Theo ông Hùng: "Tôi và những hộ dân khác tại tổ dân phố Toàn Thắng chỉ mong UBND huyện, thị trấn xử lý dứt điểm việc điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý để việc giao dịch các thửa đất cũng như xây dựng nhà cửa được thông suốt, ổn định cuộc sống. Chúng tôi đã gửi tiếp đơn kiến nghị và đang chờ phía UBND huyện lẫn thị trấn hồi âm".
Sẽ phải đợi đến đợt điều chỉnh quy hoạch?
Trao đổi với Lao Động, một lãnh đạo UBND huyện Cư M'Gar thừa nhận rằng: "Chúng tôi tiếp nhận, ghi nhận ý kiến của bà con nhưng việc điều chỉnh quy hoạch phải đến kỳ hạn mới xử lý được (vào năm 2025 -PV). Trừ trường hợp đặc biệt liên quan đến quốc phòng, an ninh thì mới được xử lý ngay lập tức. Trường hợp của các hộ dân tổ dân phố Toàn Thắng thì phải chờ đến kỳ điều chỉnh quy hoạch sắp tới.
UBND huyện rất thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn mà bà con nhân dân ở thị trấn Ea Pốk đang gặp phải. Tuy nhiên, UBND huyện phải làm đúng theo quy định. Lộ trình điều chỉnh quy hoạch (nếu có) là vào năm 2025 nhưng đầu năm 2024 thì chúng tôi đã phải họp bàn, thuê đơn vị tư vấn để tính toán cân nhắc việc điều chỉnh quy hoạch ở khu vực nói trên".
Điều đáng nói là trong cuộc họp ngày 19.4.2022, với thành phần gồm Thường trực Huyện ủy, HĐND, thành viên UBND huyện Cư M’gar và UBND thị trấn Ea Pốk, ông Lê Nam Cao - nguyên Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar (nay là Phó Ban tổ chức Tỉnh uỷ Đắk Lắk) - đã khẳng định: "Đây không phải là vấn đề đơn giản, không thể giải quyết một sớm một chiều. Tôi yêu cầu các bộ phận chuyên môn xin hướng dẫn, chỉ đạo của các sở, ngành liên quan của tỉnh để giải quyết thấu đáo mọi vấn đề.
Việc Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện cho phép người dân chuyển đổi sang đất thổ cư không đảm bảo các điều kiện (quy hoạch sử dụng đất là đất ở đô thị nhưng quy hoạch xây dựng lại cây xanh, trường học - PV) là trái quy định pháp luật, gây hậu quả lớn. Yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tập thể liên quan để xử lý theo quy định".
Tuy nhiên, đến tháng 3.2023, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ, cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết dứt điểm vụ việc cho bà con tại khu vực trên và xử lý những cá nhân, tập thể có liên quan.
Như Lao Động đã thông tin, tháng 4.2022, 74 hộ dân ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M'Gar) ký tên tập thể gửi đơn kiến nghị UBND huyện dừng quy hoạch đất bất hợp lý tại khu vực đang sinh sống để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đảo lộn cuộc sống của họ.
Năm 2009, cơ quan chức năng lập quy hoạch một phần tổ dân phố Toàn Thắng làm đất cây xanh, trường học. Lúc này, đã có đông dân cư xây dựng nhà cửa sinh sống nên người dân chờ dự án triển khai để xin tái định cư, ổn định cuộc sống.
Đến năm 2015, cơ quan chức năng đã quyết định gỡ bỏ quy hoạch treo này thành quy hoạch đất ở đô thị, cho phép người dân chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất ở. Người dân mượn tiền bạc xin chuyển đổi sang đất ở và được đồng ý.
Nhưng đến năm 2020, cơ quan chức năng lại lập quy hoạch khu vực này thành đất cây xanh, trường học. Cả trăm hộ dân đang sinh sống ổn định tiếp tục lo lắng, bất an.
Bên cạnh đó, giai đoạn 2015 đến 2020, cơ quan chức năng đã điều chỉnh quy hoạch thành đất ở nhưng lại không điều chỉnh đồng bộ quy hoạch xây dựng nên người dân không xin được giấy phép xây dựng, phải xây dựng "chui" trên chính đất thổ cư của mình.