Tuy nhiên trên thực tế, tỉ lệ người mua hàng online thanh toán trả trước không nhiều, chỉ chiếm từ 10-20% số lượng đơn hàng.
Một khảo sát vào năm 2018, 97% giao dịch thương mại điện tử tại Việt Nam được thanh toán bằng tiền mặt. Một diễn biến khác, Việt Nam có khoảng 60% dân số đủ tuổi để mở thẻ ngân hàng, nhưng 80% trong số đó vẫn dùng tiền mặt để chi trả, thanh toán trong các giao dịch.
Hiện phương thức thanh toán bằng tiền mặt trong thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn phổ biến ở mức 78%. Một số sàn, tỉ lệ này còn lên đến trên 80%.
Vì sao người tiêu dùng ngại hoặc không muốn trả trước qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt? Vấn đề không thể đổ lỗi cho bên mua.
Chị V. (Quận 7) gần đây đặt mua một bàn trang điểm giá hơn 1,9 triệu đồng trên sàn S. thanh toán qua thẻ tín dụng. Nhưng mở hàng ra thì hỡi ôi, chất lượng tệ đến sững sờ, lại thêm nhiều lỗi kỹ thuật, thậm chí giá vài trăm ngàn đồng còn không đáng.
Chị V. chat với shop trên ứng dụng của sàn để phàn nàn và yêu cầu được hoàn trả hàng. Phía shop năn nỉ, cho rằng sẽ giảm giá. Tuy nhiên vì chất lượng hàng quá tệ đến nỗi chị Vy không muốn nhìn thấy nó nên kiên quyết trả. Bên kia, chủ shop trở mặt khiếu nại ngược cho rằng hàng không hề bị lỗi.
Chị V. phải “đấu căng” với sàn thì món hàng mới được bên bán chịu nhận lại. Nhưng để được hoàn tiền, chị V. phải đợi đến khoảng nửa tháng. Tính từ lúc thanh toán trả trước để mua hàng đến khi nhận được tiền hoàn trả, mất đến cả tháng.
Mới đây anh H. (Quận 1) mua một chiếc khay gỗ thông trên sàn L. với hình chụp quảng cáo bóng bẩy, đáy khay là tấm ván liền, giá hơn 100.000 đồng. Nhưng khi hàng đến tay thì… chỉ còn sự thất vọng. Sản phẩm không như quảng cáo đã đành, còn bị lỗi kỹ thuật nứt vỡ, đáy khay được ghép từ 2 miếng ván chứ không phải liền là một.
“Chiếc khay như thế có thể tìm mua ở các nơi khác với mức giá chỉ bằng một nữa”, anh H. cho biết.
Nhưng khi anh đề nghị trả hàng, kèm cả hình chụp và video chứng minh hàng không đúng như hình quảng cáo và lỗi kỹ thuật, thì phía shop cũng khiếu nại ngược cho rằng sản phẩm không bị lỗi, và còn giải thích “gỗ thông không có bản to nên phải ghép”.
Nhân viên tiếp nhận khiếu nại của sàn cũng ngả theo phía shop, vì món hàng dù chưa được hoàn trả nhưng nhân viên vẫn cẩu thả cho rằng “đã kiểm tra sản phẩm và nhận thấy không bị lỗi”.
Rất nhiều những tình huống mua hàng online dở khóc dở cười về chất lượng, thậm chí chỉ chuốc bực bội và bức xúc. Một nhân viên giao hàng thuộc công ty giao nhận cho biết, sản phẩm thời trang, quần áo chính là loại mặt hàng thường bị khách hàng phàn nàn và hoàn trả nhiều nhất vì chất lượng, lỗi kỹ thuật, hàng thực tế kém xa hình ảnh quảng cáo…
Khách mua hàng online không phải là không muốn thanh toán trước. Vấn đề là, hàng hóa bán qua kênh thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay vàng thau lẫn lộn, rất nhiều hàng kém chất lượng, lỗi kỹ thuật được quảng cáo phô trương bằng các hình ảnh không đúng thực tế, shop bán được món hàng cứ như đánh trúng quả. Chính vì thế, người mua chỉ muốn thanh toán khi nhận hàng như một cách “phòng thủ”. Khi đó, phương thức thanh toán chủ yếu lại bằng tiền mặt.