Tối hậu thư cho Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long
Ở các bài viết trước, Lao Động đã phản ánh và chỉ ra nguyên nhân của việc người dân nhiều xã ở Thái Bình đang phải bỏ tiền mua nước sạch nhưng “rước” về nước bẩn. Theo đó, có nguyên nhân từ việc vận hành, quản lý yếu kém của nhà máy nước, đơn vị cung cấp nước sạch.
Đối với hàng loạt tồn tại, bất cập trong việc vận hành, quản lý 19 công trình nước sạch tập trung từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) như Báo Lao Động đã phản ánh, UBND tỉnh Thái Bình yêu cầu Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá thực trạng, lập và triển khai kế hoạch bảo đảm cấp nước an toàn cho toàn bộ các công trình này.
Trước mắt, công ty phải khẩn trương tập trung mọi nguồn lực cần thiết, triển khai ngay các biện pháp, giải pháp trong quản lý vận hành; tiếp tục đầu tư cải tạo nâng công suất mạng lưới đường ống nhằm bảo đảm tính đồng bộ và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn về cung cấp nước sạch của nhân dân ở khu vực 9 trạm cấp nước còn để xảy ra cung cấp nước chưa ổn định.

"Nếu đến ngày 30.6.2022, việc cấp nước vẫn không ổn định, UBND tỉnh Thái Bình sẽ xem xét điều chỉnh phạm vi cấp nước cho phù hợp để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng" - công văn UBND tỉnh Thái Bình, nhấn mạnh.
Sở Y tế Thái Bình cũng được giao nhiệm vụ phải tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch của các công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh nói chung, các trạm cấp nước sạch tập trung do Công ty Cổ phần Bitexco Nam Long được nhận chuyển giao để quản lý, vận hành, khai thác nói riêng.
Trường hợp chất lượng nước không đảm bảo phải kịp thời đôn đốc, chỉ đạo xử lý khắc phục triệt để và báo cáo ngay về UBND tỉnh Thái Bình.
Ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm?
Thời gian qua, tỉnh Thái Bình đã có hàng loạt văn bản, công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cùng vào cuộc để thực hiện bảo đảm cung cấp nước sạch an toàn cho nhân dân.

Ngày 11.6.2021, ông Lại Văn Hoàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình ký Công văn số 79/KH-UBND ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình bảo đảm cấp nước an toàn khu vực nông thôn tỉnh Thái Bình, giai đoạn 2021-2025 trên cơ sở thực hiện Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, ngày 17.12.2019, ông Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình khi đó cũng đã ký Quyết định số 3757/QĐ-UBND về việc ban hành quy định trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình...
Mục đích tổng quát của các công văn, văn bản chỉ đạo là thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn nhằm quản lý rủi ro và khắc phục sự cố có thể xảy ra từ nguồn nước, hệ thống công trình xử lý nước và mạng lưới đường ống truyền dẫn, phân phối nước đến khách hàng sử dụng.
Bảo đảm cung cấp nước liên tục, đủ lượng nước, duy trì đủ áp lực và chất lượng nước đạt quy định, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu các bệnh liên quan đến nước, phòng ngừa dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội...
Trong các nội dung văn bản chỉ đạo của tỉnh Thái Bình có chia trách nhiệm quản lý theo phân cấp rất rõ ràng. Thế nhưng, để xảy ra tình trạng cung cấp nước không an toàn ở một số nơi thì đến nay chưa thấy cá nhân, đơn vị nào bị xử lý, xem xét trách nhiệm.
Thậm chí, khi gặp sự cố về nước sạch, người dân không biết tìm ai để hỏi, kiến nghị.
Anh Nguyễn Quốc Huy - một người dân xã Thái Đô, bức xúc: "Rất nhiều lần tôi tìm đến tận nhà máy nước Mỹ Lộc để hỏi cho ra nhẽ, thế nhưng chỉ có duy nhất 1 chú bảo vệ tuổi đã cao trông coi, phụ trách việc bơm nước. Hỏi tại sao nước bẩn thế chú ấy cũng không biết gì mà trả lời, chỉ nói quanh co cho xong. Tiền nước chúng tôi trả đều, nước bẩn chúng tôi tự chịu, nhà máy nước và cơ quan chức năng đều im lặng".
Một lãnh đạo UBND xã (đề nghị không nêu tên), phân trần: "Công ty Bitexco Nam Long nhận bàn giao nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn của chúng tôi cả chục năm trời, chưa bao giờ phía công ty bước chân vào xã để hỏi xem tình hình cấp nước cho nhân dân địa phương ra sao. Trong khi đó, hễ nước có vấn đề thì ngay lập tức dân chỉ biết tìm và chỉ trích lãnh đạo địa phương".
Vẫn theo vị này, thi thoảng xã vẫn nhận được kết quả đo đạc, kiểm định chất lượng nước sạch. Tất cả đều đạt yêu cầu, các chỉ số đều nằm trong phạm vi an toàn cho phép.
Thế nhưng, lúc tiến hành lấy mẫu để mang đi kiểm tra thì đại diện chính quyền và nhân dân không hề được hay biết, không được chứng kiến.
Lấy mẫu ở đâu, lấy mẫu như thế nào, lấy mẫu vào giờ nào đều do phía công ty nước sạch "vừa đá bóng vừa thổi còi"...