Cuộc sống khốn khổ của những lao động bị nợ bảo hiểm xã hội

Minh Hạnh |

Nợ đọng bảo hiểm xã hội khiến nhiều lao động không được hưởng chế độ thai sản, cuộc sống lâm cảnh khó khăn và vẫn “dài cổ” chờ quyền lợi...

Báo Lao Động đã phản ánh việc hàng chục nữ lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Phát triển giáo dục Igarten (Công ty Igarten), Khu Đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) không được hưởng chế độ thai sản và hoa hồng tuyển sinh, khiến đời sống của họ vô cùng khó khăn. Cũng theo phản ánh của người lao động, do công ty không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) nên họ đã phải nghỉ việc, tìm việc làm mới trong khi phần lớn NLĐ đang phải đi thuê nhà ở và nuôi con nhỏ.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Đặng Thị Thu Hiền (quê tại huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) cho hay, chị làm việc tại Công ty Igarten từ tháng 5.2012 đến tháng 8.2023 với mức lương 8 triệu đồng/tháng. Hiện công ty đang nợ chị tiền thai sản và thưởng hiệu quả công việc số tiền 39.650.000 đồng. Do công ty không đóng BHXH, không thực hiện việc thanh toán tiền thưởng như cam kết, chị Hiền đã làm đơn xin nghỉ việc.

Từ tháng 10.2023 đến nay, chị Hiền đã nhiều lần trực tiếp đến công ty và gửi e-mail, đơn kiến nghị nhưng không nhận được phản hồi. "Cuộc sống của vợ chồng tôi rất khó khăn, trong thời gian nghỉ sinh con, cả gia đình chỉ sống bằng lương của chồng. Điều quan trọng là số tiền Công ty Igarten nợ là tiền thai sản, tiền thưởng Tết và hiệu quả công việc, đây là quyền lợi mà NLĐ phải được hưởng", chị Hiền cho biết.

Chị Hoàng Thị Mai Châm (quê ở huyện Nho Quan, Ninh Bình) cũng bức xúc, trong thời gian nghỉ thai sản cuộc sống của chị rất khó khăn chật vật. "Con nhỏ, chồng không có việc làm ổn định, tôi buộc phải về quê để sống cùng bố mẹ. Từ ngày 30.6.2023, tôi đã xin chấm dứt hợp đồng lao động với công ty, tuy nhiên đến nay công ty vẫn chưa trả tiền hoa hồng 85.000.000 đồng và tiền thai sản 33.580.000 đồng", chị Châm nói.

Cũng theo chị Châm, do không có điều kiện đi lại, nhiều lần chị điện thoại, gửi e-mail đề nghị công ty thực hiện trách nhiệm đối với NLĐ nhưng không được trả lời. Thời gian đầu khi mới chấm dứt hợp đồng, công ty có hứa về lộ trình trả nhưng đến nay chỉ là lời hứa suông chứ chưa hề chi trả 1 đồng nào.

Chị Trần Thị Thùy Nga (sinh năm 1993 tại Tiền Hải, Thái Bình) cho biết, chị sinh con đã được hơn 20 tháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền thai sản và tiền hoa hồng tuyển sinh trên 70 triệu đồng. Tổng cộng cả 2 khoản là 104 triệu đồng.

"Số nợ này đã được công ty xác nhận và đề nghị trả dần, tuy nhiên sau khi trả được 5 triệu đồng vào cuối năm 2023 thì đến nay không trả nữa với lý do tình hình kinh tế của công ty khó khăn. Tôi phải đi thuê nhà, con nhỏ không có ai phụ giúp, mọi chi tiêu của gia đình chỉ gói gọn trong 15 triệu đồng là số tiền lương của chồng", chị Nga bức xúc.

Trường hợp chị Ngô Thanh Lam (quê Gia Viễn, Ninh Bình) đang bị Công ty Igarten nợ 64.000.000 đồng gồm tiền thưởng của năm 2022 và tiền thai sản. Trong thời gian nghỉ sinh con, cả gia đình chị Lam sống bằng số tiền lương 12 triệu đồng/tháng của chồng. Ngoài các khoản chi phí sinh hoạt và bỉm, sữa cho con, mỗi tháng chị phải trả 4 triệu đồng tiền thuê nhà... Không chịu nổi chi phí đắt đỏ ở Hà Nội, vợ chồng chị phải về quê ở tạm một thời gian.

Tại buổi làm việc với PV báo Lao Động ngày 17.7, đại diện Công ty Igarten, ông Nguyễn Đức Năng cho biết, hiện công ty đang làm việc với cơ quan BHXH để giải quyết quyền lợi cho NLĐ.

Người lao động Công ty Igarten cầu cứu cơ quan chức năng giúp đỡ. Ảnh: NLĐ cung cấp
Người lao động Công ty Igarten cầu cứu cơ quan chức năng giúp đỡ. Ảnh: NLĐ cung cấp

Liên quan đến khoản nợ tiền hoa hồng của NLĐ, ông Năng cho biết, hiện nguồn tài chính của công ty thực sự khó khăn, công ty cũng đã xin NLĐ cho chậm lại để xác định công nợ và xây dựng lộ trình thanh toán, tuy nhiên thời gian cụ thể thì chưa biết vì hiện mọi hoạt động của công ty đang bị cơ quan chức năng kiểm soát.

Theo tập thể NLĐ, ngoài việc yêu cầu Công ty Igarten phải thực hiện trả quyền lợi cho mình, họ cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng và Phòng Giáo dục quận Thanh Xuân (Hà Nội) đề nghị giúp đỡ.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Tại Công văn 856/LĐTBXH-BHXH đã quy định đối với các doanh nghiệp thực sự gặp khó khăn, nợ tiền đóng BHXH thì cho phép doanh nghiệp đóng BHXH cho những người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH, NLĐ thôi việc để giải quyết chế độ BHXH và chốt sổ BHXH nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Theo đó, NLĐ có thể đề nghị doanh nghiệp đóng BHXH còn nợ, chốt sổ BHXH cho riêng từng người lao động để hưởng chế độ thai sản (nếu đủ điều kiện) và tham gia BHXH ở đơn vị mới.

Ngoài ra, căn cứ theo Điểm a Khoản 5, Điều 39, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17.1.2022 thì người sử dụng lao động nợ đóng BHXH có thể bị xử phạt hành chính. Mức xử phạt từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động.

Bên cạnh đó, tại Khoản 7 Điều 39 Nghị định 12/20222/NĐ-CP quy định biện pháp khắc phục hậu quả như buộc người sử dụng lao động đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc phải đóng; Buộc người sử dụng lao động nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền đóng.

Trường hợp doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mà cố tình không đóng bảo hiểm xã hội, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ thì NLĐ có thể khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện đến Tòa án nhân dân nơi công ty đặt trụ sở chính để yêu cầu bồi thường để đảm bảo quyền lợi.

Minh Hạnh
TIN LIÊN QUAN

Hàng chục nữ lao động không được hưởng chế độ thai sản

Minh Hạnh |

Hà Nội - Công ty Igarten nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) khiến hàng chục lao động nữ không được hưởng chế độ thai sản.

Sau nghỉ việc bao lâu thì được lấy bảo hiểm xã hội 1 lần?

Trà My |

Bạn đọc Hà My (Hà Nội) thắc mắc: "Tôi đóng bảo hiểm xã hội 16 năm và mong muốn được lãnh (lĩnh) bảo hiểm xã hội 1 lần thì khi nghỉ việc sau bao lâu mới được nhận? Mức hưởng là bao nhiêu?".

Mức phạt với việc tạm đình chỉ công việc của người lao động quá thời hạn

Nam Dương |

Bạn đọc có emaill trungkienxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Công ty tạm đình chỉ công việc của người lao động quá thời hạn theo quy định của pháp luật bị phạt như thế nào?

Tính thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ thai sản thế nào?

Anh Tuấn |

Bà Phạm Thị Hải (Hòa Bình) đóng BHXH tại công ty A từ tháng 7.2022, đến tháng 1.2023 nghỉ việc. Bà tiếp tục đóng BHXH tại công ty B từ tháng 8.2023, đến tháng 12.2023 nghỉ việc. Bà Hải hỏi, bà đã sinh con ngày 10.3.2024 thì có đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản không?

Bão số 2 giật cấp 10 đi vào Vịnh Bắc Bộ trong 24 giờ tới

AN AN |

Tối nay (21.7), cơ quan khí tượng đã cập nhật vị trí và diễn biến bão số 2.

Cập nhật giá vàng chốt phiên 21.7: Lãi tới 1,5 triệu đồng

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt tuần khởi sắc ở thị trường trong nước. Nhà đầu tư lãi tới 1,5 triệu đồng/lượng sau 1 tuần mua vào.

Tin 20h: Chờ kết quả giám định vụ mẹ con sản phụ tử vong

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 21.7: Chờ kết quả giám định vụ mẹ con sản phụ tử vong; Hé lộ ngành học 100% sinh viên có việc làm sau ra trường...

Lưu ý khi quy đổi chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học

Thanh Bình |

Năm 2024, thí sinh có thể sử dụng chứng chỉ IELTS để xét tuyển đại học. Chứng chỉ này sẽ là lợi thế giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển.