Bà Nguyễn Thị Hà (Hà Đông, Hà Nội) hỏi: Tôi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được gần 15 năm. Hiện nay, công ty đang nợ BHXH 10 tháng. Vậy, nếu tôi chấm dứt hợp đồng lao động, tôi có được bỏ tiền cá nhân đóng bù khoản chậm đóng của mình không?
Khi tôi nghỉ việc thì có được hưởng chế độ BH thất nghiệp trong khi công ty chậm đóng BHXH không? Tôi có được tham gia BHXH tự nguyện để không bị ngắt quãng thời gian tham gia bảo hiểm xã hội không? Khi có việc làm mới, tôi có được chuyển từ BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc không?
BHXH Thành phố Hà Nội trả lời bạn đọc như sau:
Về nội dung đóng BHXH: Theo điểm 1.2, khoản 1, Điều 46 Văn bản hợp nhất số 2089/VBHN-BHXH ngày 26.6.2020 của BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BNTN), bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp (BHTNLĐ-BNN), quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT do BHXH Việt Nam ban hành như sau:
Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Như vậy, việc đăng ký đóng và đóng BHXH cho người lao động thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động không trực tiếp đóng BHXH cho cơ quan BHXH.
Về nội dung hưởng BH thất nghiệp: Căn cứ Khoản 2 và Khoản 3 Điều 12 Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN quy định: “Người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là người lao động có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp và được tổ chức bảo hiểm xã hội xác nhận. Tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng bảo hiểm thất nghiệp”.
Trường hợp của bạn đọc, do công ty đang chậm đóng BHXH 10 tháng nên bạn chưa đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Việc làm và Khoản 5 Điều 18 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, thời gian để xét hưởng trợ cấp thất nghiệp lần sau là tổng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Về nội dung tham gia BHXH tự nguyện:
+ Trường hợp bạn chưa chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động với công ty, bạn vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, do đó không tham gia được BHXH tự nguyện.
+ Trường hợp nếu bạn đã chấm dứt hợp đồng làm việc/hợp đồng lao động với công ty, không tham gia đóng BHXH bắt buộc, thì bạn thuộc đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tham gia BHXH tự nguyện, bạn có thể đăng ký tham gia trên Cổng dịch vụ công quốc gia (Cổng dịch vụ công của ngành BHXH (https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn)
Về nội dung chuyển đóng BHXH tự nguyện sang đóng BHXH bắt buộc: Sau khi có việc làm mới, bạn có thể dừng đóng BHXH tự nguyện, chuyển sang đóng BHXH bắt buộc tại công ty. Thời gian tham gia BHXH tự nguyện trước đó sẽ được bảo lưu, công dồn với thời gian tham gia BHXH bắt buộc sau này để làm căn cứ gải quyết các chế độ BHXH.
Bạn đọc liên hệ với cơ quan BHXH nơi bạn đọc tham gia BHXH tự nguyện để làm thủ tục dừng đóng BHXH tự nguyện. Sau đó, bạn đọc thông báo số sổ BHXH cho công ty bạn làm việc để công ty làm thủ tục đóng tiếp BHXH cho bạn đọc vào sổ BHXH đã được cấp.